MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc đổ thuốc bảo vệ thực vật bắt tôm trên sông Đồng Nai không chỉ hủy diệt nguồn thủy sản, mà còn đầu độc 20 triệu dân trong lưu vực. Ảnh: Lục Tùng

Đổ thuốc bảo vệ thực vật bắt tôm trên sông Đồng Nai là đầu độc hệ sinh thái

Lê Thanh Phong LDO | 24/01/2024 07:45

Gần đây, xảy ra tình trạng nhiều người đổ thuốc bảo vệ thực vật xuống sông Đồng Nai để bắt tôm.

Theo người dân địa phương, nạn đổ thuốc bảo vệ thực vật xuống sông Đồng Nai để bắt tôm đã xảy ra từ năm 1995, nhưng không có lực lượng nào ra tay ngăn chặn. Đến nay lại rộ lên, bà con rất bức xúc, mong có cơ quan chức năng đứng ra dẹp những kẻ đang bức tử dòng sông.

Người dân ở khu vực ven sông Đồng Nai cho biết, sau khi đổ thuốc bảo vệ thực vật xuống, khoảng 15 phút sau, tôm sẽ bị say thuốc nổi lên, vớt rất dễ dàng. Cách khai thác theo kiểu hủy diệt này, các loại tôm to nhỏ đều bị quét sạch. Không chỉ tôm, tép mà các loài khác cũng bị thuốc bảo vệ thực vật tấn công vì môi trường sống ô nhiễm hóa chất nghiêm trọng.

Nguồn thủy sản ở khu vực này đang bị hủy diệt bởi tình trạng đánh thuốc độc này. Tính ra, đổ thuốc bảo vệ thực vật xuống sông còn tàn sát thủy sản hơn cả dùng xung điện, vì chất độc ngấm vào nước, vào môi trường hai bên sông, dưới đáy sông.

Trao đổi trên Lao Động, TS Tô Văn Trường - chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường và tài nguyên nước - các loại thuốc bảo vệ thực vật này theo dòng thủy triều gây tác hại rộng lớn, ngấm vào bùn đáy và phiêu sinh vật… Tôm cá nhỏ ăn bùn và phiêu sinh vật, tôm cá lớn ăn tôm cá nhỏ trong những mắt xích của chuỗi thức ăn, đến con người ăn tôm cá lớn là mắt xích cuối.

Tôm cá sống trong môi trường nước bị "trúng độc", đi vào mâm cơm, con người cũng trúng độc theo. Một lần, nhiều lần ăn các loại thực phẩm này, độc sẽ tích tụ và gây bệnh, không loại trừ bệnh hiểm nghèo.

Còn nữa, sông Đồng Nai cung cấp nước sinh hoạt cho 20 triệu người dân trong lưu vực. Một dòng sông vốn đã chịu rất nhiều các loại chất thải xả ra mỗi ngày, lại thêm thuốc bảo vệ thực vật dùng để đánh bắt tôm, thì người sử dụng nguồn nước này gánh hết hậu quả.

Câu hỏi lớn đặt ra, tại sao tình trạng đổ thuốc bảo vệ thực vật xuống sông Đồng Nai để đánh bắt tôm xảy ra từ lâu nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn?

Người dân sống trong khu vực này biết rất rõ, báo chí phản ánh, tại sao chính quyền không biết?

Hai địa phương Đồng Nai và Bình Dương phải ra tay quét sạch các cá nhân, băng nhóm đầu độc sông Đồng Nai, xử lý theo pháp luật.

Xin lưu ý, hành vi này là tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản, phải nghiêm trị để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn