MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp bỏ tiền nghiên cứu khoa học không để cất ngăn tủ

Đào Tuấn LDO | 29/01/2021 07:47

Trong khi đầu tư nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp luôn gắn chặt với sản xuất kinh doanh thì của nhà nước, không ít nghiên cứu xong cất ngăn kéo, bỏ hộc bàn.

Từ nhiều năm nay, Masan đang đổ rất nhiều tiền của cho Dự án Bộ 12 chủng vi sinh vật, trên cơ sở hợp tác với Dr Kim Keun, một chuyên gia vi sinh vật hàng đầu thế giới (Đại học Suwon Hàn Quốc) và Viện Công nghiệp thực phẩm - Bộ Công Thương.

Masan, đang thu mua 60% nguồn nguyên liệu (nước mắm cốt) ở Việt Nam - coi Dự án này đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn các hương vị nước mắm và trong hoàn cảnh nguồn cá cơm đang suy giảm tại các ngư trường truyền thống.

Có một điều có thể khẳng định, Dự án nghiên cứu khoa học của Masan trước hết xuất phát từ chính nhu cầu của Tập đoàn này. Ngay và luôn, nó phục vụ cho sản xuất.

Số tiền bỏ ra nghiên cứu phát triển của Masan rất lớn, hàng trăm tỉ mỗi năm. Và cùng với Vingroup, Viettel và như cả Bkav, nó nằm trong con số 48% tổng chi xã hội cho KHCN mà Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt vừa nhắc tới. Đó là những nghiên cứu không bao giờ để “cất ngăn bàn” hay “bỏ hộc tủ” cả.

Cất ngăn bàn hay bỏ hộc tủ là từ dùng của ít nhất hai đời Bộ trưởng Bộ KHCN. Nó phản ánh những bất cập của nghiên cứu khoa học mà bất cập nhất là nghiên cứu những đề tài hoặc vô thưởng vô phạt, hoặc không gắn với thực tế; không thể áp dụng vào sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu mà không thể áp dụng vào thực tế - không thể gọi khác - đó là một lãng phí rất lớn nguồn lực, và cả chất xám.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa xác định một trong ba đột phá chiến lược chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Năm nay, dù NSNN còn không ít khó khăn, kinh phí phân bổ dành cho Bộ KHCN là hơn 2.500 tỉ đồng, cho Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam hơn 555,8 tỉ đồng; cho Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ lên tới 5.200 tỉ đồng, tăng vọt so với 3.860 tỉ đồng năm ngoái...

Trong khi đó, Báo Nhân Dân từng dẫn số liệu của Cục Thông tin KHCN quốc gia cho biết, trong tổng số 2.004 DN của cả nước được điều tra thì không nhiều DN đổi mới sáng tạo nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ yếu sử dụng vốn tự có. Nguồn chi tăng lên đáng kể từ NSNN cho các bộ, cục, viện chính là sự khẳng định ưu tiên cho KHCN. Nhưng để nó thực sự có thể trở thành đột phá, có lẽ nghiên cứu KH tại khu vực DN cũng nên xem là một ưu tiên, bằng cơ chế, bằng ưu đãi, và thậm chí bằng cả nguồn lực.

Bởi có một điều có thể chắc chắn, đó sẽ không bao giờ là những nghiên cứu với mục đích giải ngân hay cất hộc bàn cả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn