MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp Đà Nẵng nợ bảo hiểm xã hội khiến nhiều lao động bị ảnh hưởng. Ảnh: Nguyên Thi

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, không thể cứ mãi kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt

Hoàng Văn Minh LDO | 06/01/2024 16:26

Chuyện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm người lao động đến hẹn lại nóng lên ở hầu khắp các địa phương trên cả nước.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa có động thái mạnh khi ra 3 quyết định xử phạt hành chính 3 doanh nghiệp về hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Mỗi doanh nghiệp bị phạt 180 triệu đồng. Kèm theo buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, thời hạn 10 ngày kể từ khi ra quyết định.

Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng thì toàn thành phố có 2.940 đơn vị với 5.296 lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền 184.775 triệu đồng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp nợ kéo dài, không có biện pháp khắc phục.

Ở phạm vi toàn quốc, con số còn khủng khiếp hơn. Theo công bố của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, ngày 23.11, thì số tiền doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10 nghìn tỉ đồng/năm.

Và chỉ tính riêng trong năm 2022, số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp, đơn vị.

Doanh nghiệp chậm đóng các loại bảo hiểm, hay nói cách khác là nợ đọng bảo hiểm là vấn đề luôn nhức nhối từ rất nhiều năm nay và cứ đến hẹn lại nóng từ thực tế cho đến các diễn đàn từ địa phương đến Trung ương.

Thời gian qua, các tổ chức, trong đó có Công đoàn Việt Nam đã họp bàn, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên thực tế các con số nợ và doanh nghiệp nợ vẫn cứ luôn năm sau cao hơn năm trước.

Bởi thực tế ở các địa phương, ngoài việc thanh kiểm tra, vận động, nhắc nhở, công bố công khai danh sách các doanh nghiệp nợ, thậm chí xử phạt như Đà Nẵng vừa làm thì gần như không còn giải pháp khả thi nào khác. Nhưng ngay cả những giải pháp vừa nhắc thì gần như cũng không mang lại hiệu quả đáng kể.

Còn nhớ tại phiên thảo luận của Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đã đề xuất một giải pháp mới được nhiều nước đang áp dụng là cần có quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội. Và hành vi trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế.

Đồng thời đề nghị sửa đồng thời các quy định có liên quan tại Bộ luật Tố tụng dân sự và sửa đổi Luật Công đoàn. Để Công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động.

Tuy nhiên đến thời điểm này, tất cả cũng chỉ còn nằm ở dạng đề xuất, kiến nghị.

Để khắc phục, giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm đẫn đến hàng triệu lao động đã và đang bị ảnh hưởng, xâm phạm về quyền lợi như hiện nay, chúng ta cần sớm có những giải pháp hữu hiệu hơn, chứ không thể cứ mãi kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt… như lâu nay!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn