MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đổi GPLX qua mạng còn lằng nhằng, phức tạp, mất thời gian hơn là làm trực tiếp. Ảnh: Đặng Tiến

Đổi giấy phép lái xe qua mạng: Muốn nhanh thì phải... từ từ!

Anh Đào LDO | 23/05/2021 12:21

Mất đứt 162 triệu đồng/tháng tiền thuê dịch vụ cho việc thí điểm dịch vụ cấp giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến. Nhưng suốt từ 7.2020, mới chỉ có 10 hồ sơ cấp đổi thành công.

Nói cho công bằng thì không chỉ 10 hồ sơ cấp đổi thành công mà còn có thêm... 1 hồ sơ cấp mới nữa.

Và ngoài 1 hồ sơ cấp mới thì số tài khoản truy cập cổng dịch vụ công (thao tác và xem) cũng được tính đếm: 1.019 lượt tính đến hết tháng 2.2021.

Nhưng phải nói thẳng: Con số đó ít đến thảm hại so với chi phí và kỳ vọng.

11 hồ sơ cấp, đổi thành công, trong khi mỗi tháng Tổng cục Đường bộ mất đứt 162 triệu tiền thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho việc thí điểm cấp đổi GPLX qua mạng.

Còn kỳ vọng. Hồi công bố nâng “cái dịch vụ công này” lên cấp độ 4, với ước tính hơn 965.000 lượt người thực hiện hàng năm, số tiền tiết kiệm tăng thêm so với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 sẽ lên tới hơn 323,9 tỉ đồng/năm.

Tại sao dân lại chẳng mặn mà, dẫu dịch vụ công ưu việt đến mức đưa vào tận phòng khách, lách cách keyboad 5 phút là xong thủ tục?

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc thực hiện đăng ký phải qua rất nhiều bước: Truy cập cổng dịch vụ công, đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động (số điện thoại chính chủ); tra cứu vi phạm giao thông; tra cứu dữ liệu sức khỏe; thanh toán trực tuyến… Hầu hết các dịch vụ này đều phải sử dụng cùng một số chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân kết hợp với số điện thoại di động chính chủ…, do đó đã dẫn đến hạn chế trong việc khai báo, đăng ký trên cổng dịch vụ công.

Ngay cả việc thanh toán nữa, cũng quá phức tạp.

Ngay cả chứng nhận sức khoẻ nữa, cũng rất hạn chế khi trong giai đoạn thí điểm mới chỉ có vài bệnh viện ở Hà Nội và Hà Nam có tích hợp mã khám sức khỏe điện tử trên cổng dịch vụ công Quốc gia.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - bà Phan Thị Thu Hiền cũng nêu cái khó: Việc kết nối dữ liệu giữa ngành Công an (CSGT) với cơ sở dữ liệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng chưa… ổn định.

Tóm lại, sự thất bại là vì sự thiếu kết nối, thiếu đồng bộ. Bởi dù dịch vụ cấp đổi GPLX- dẫu cấp độ 4 nhưng những yếu tố khác: Hồ sơ y tế, hồ sơ tra cứu vi phạm pháp luật giao thông hay thanh toán trực tuyến… mà chưa theo kịp, mà thiếu kết nối thì cấp độ 4 cũng chỉ là một con số mà thôi.

Người dân có muốn nhanh chóng, thuận tiện, đỡ những chi phí không chính thức, đỡ bị hành là chính không?

Hỏi cũng đã là trả lời.

Nhưng dịch vụ công trực tuyến xét ra, cần sự đồng bộ để ít nhất nó đừng khiến người dân rối não, thậm chí phát khùng khi mà không thể trình bày với cái máy được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn