MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn đàn ứng phó tin giả ASEAN đang được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 19, 20.9. Ảnh: Thùy Trang

Đối phó với tin giả, sai lệch, cần phải "nâng đề kháng" cho cộng đồng

Thanh Hải LDO | 21/09/2023 10:43

Trong quy trình xử lý thông tin giả, Việt Nam có thể yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới loại bỏ những thông tin sai lệch, vi phạm pháp luật trong vòng 48 giờ.

Trong khuôn khổ Hội Nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN với các chuỗi hội thảo bàn về cách ứng phó với tin giả, tin sai sự thật đang diễn ra tại TP Đà Nẵng trong 2 ngày 19 và 20.9, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo quy trình chuẩn để xử lý tin sai sự thật, nhà chức trách sẽ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới loại bỏ những thông tin sai lệch, những thông tin vi phạm pháp luật trong vòng 48 giờ.

Ngoài ra, theo quy trình khẩn cấp, Việt Nam có thể yêu cầu các nền tảng này phải loại bỏ những thông tin vi phạm pháp luật trong vòng 6 giờ đến 24 giờ.

Hiện Việt Nam có 4 nền tảng nhiều người dùng là Zalo, YouTube, Facebook và TikTok, với hàng trăm triệu tài khoản cá nhân. Dù Việt Nam đã thiết lập trung tâm an ninh mạng quốc gia, có khả năng tiếp nhận xử lý 300 triệu nội dung mỗi ngày trên mạng xã hội, nhưng phần lớn là xử lý... đầu cuối, chạy theo những thông tin đã rồi.

Bởi sau khi xác minh được tin giả, có hại, cơ quan chức năng mới gửi thông tin cho cơ quan báo chí, đăng tải thông tin sai sự thật lên các báo, các trang thông tin chính thống.

Tin giả, tin xấu, sai lệch... cũng giống như "thuốc độc", lây lan rất nhanh. Dù có đính chính, "nói lại cho rõ", có gỡ bỏ... mà theo như ông Lê Quang Tự Do nói trong vòng 6 giờ đồng hồ, thì cũng đã muộn, chạy theo sau rồi. Giống như cơ thể đã nhiễm độc, có chữa trị cũng vất vả, tốn kém.

Thông tin xấu độc, tin giả, sai lệch trên mạng xã hội cũng giống ngoài đời, nhưng tốc độ, khả năng lây lan nhanh gấp nhiều lần, và nó gây hại diện rộng, xuyên biên giới. Vì vậy, nếu chỉ dùng biện pháp "tiếp nhận, xử lý" kiểu cung cấp thông tin cho báo chí chính thống "nói lại cho rõ", "bác bỏ thông tin giả, tin sai lệch...", yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ, hoặc xử phạt các tài khoản vi phạm... thì đã muộn.

Đã có ví von, tin giả, tin xấu độc lây lan như COVID-19. Vì vậy, nếu chỉ xử lý đầu cuối, dùng mọi cách để "thu hồi", để phản bác, thì chẳng khác gì biện pháp "cách ly, phong tỏa, đeo khẩu trang" đối với dịch COVID-19.

Để giải quyết căn cơ, hiệu quả hơn thì phải tính việc "nâng cao sức đề kháng" cho cộng đồng. Phải "tiêm vaccine" để người dân nhận biết, đề phòng, không tin, không nghe thông tin giả, tin xấu độc. Việc này cần thời gian và sự vào cuộc toàn xã hội. Đặc biệt là trong trường học, từ cấp phổ thông... nhưng phải hành động ngay.

Ngoài việc trang bị cho người dân kỹ năng, kiến thức, cách nhận biết tin giả, thì các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống cũng phải kịp thời cung cấp thông tin các vấn đề nóng. Không né tránh, chậm đăng tải về các thông tin được cho là "nhạy cảm". Nếu chậm tin, sẽ tạo môi trường, điều kiện cho thông tin giả, sai lệch có đất sống. Người dân sẽ vì tò mò mà nghe "tin hành lang", ngoài luồng, và sẽ tin vào các tin giả rồi chia sẻ, lây lan...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn