MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trạm BOT chậm tháo gỡ đang trở thành những điểm nóng TNGT. Hình ảnh tai nạn tại BOT Cầu Rác ngày 28.4 vừa qua. Ảnh: Trần Tuấn

Dọn BOT “nhầm chỗ”: Mất thêm 3 tỉ dọn rác

Anh Đào LDO | 30/05/2021 11:27

BOT Cầu Rác sẽ phải tốn thêm 3,3 tỉ chi phí để “dọn rác”. Sau 2 năm trời với vô số công văn đề nghị. Sau 2 năm trở thành “cái bẫy” gây ra vô số vụ tai nạn giao thông. Mà Cầu Rác là một trong 17 trạm BOT đặt nhầm chỗ.

Bức ảnh là hiện trường vụ tai nạn khủng khiếp ngày 28.4 vừa rồi khi một xe tải chở dưa đâm trúng trụ phân làn xe tại BOT Cầu Rác.

Hậu quả, chỉ cần nhìn hình là biết.

Lúc đó là 0h30 sáng.

Và địa điểm xảy ra tai nạn: Trạm thu phí Cầu Rác đã trở thành một đống rác đúng nghĩa khi nó đã dừng hoạt động suốt từ tháng 2.2019.

Phải mở ngoặc là trong suốt 2 năm qua, từ Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh 2 lần, UBND tỉnh Hà Tĩnh, cũng 2 lần - có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ, và Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị sớm tháo dỡ, tránh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông tại “điểm đen” này.

Nhưng rồi đến hôm qua, khi Tổng cục Đường bộ có báo cáo gửi Bộ GTVT cho phép tháo gỡ, thanh lý cái “BOT rác” này thì lại nảy nòi ra khoản chi phí 3,3 tỉ đồng.

Một cái BOT nhầm chỗ, 2 năm như đống rác, tạo thành một điểm đen giao thông, giờ dọn đi để “hoàn trả nền mặt đường” để đảm bảo an toàn giao thông lại mất thêm mấy tỉ bạc.

Đúng là ngậm đắng nuốt cay.

Nhưng BOT Cầu Rác, trở thành... đống rác không phải chỉ là cá biệt.

Báo Giao thông, từng dẫn lời ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay: Còn tới 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí chờ xác lập quyền sở hữu toàn dân. Trong đó, nhiều dự án sau khi dừng thu phí thì nhà đầu tư BOT thôi luôn, “không làm công tác quản lý bảo trì tuyến đường, bao gồm cả trạm thu phí khiến cho tuyến đường và tài sản trên tuyến bị xuống cấp”.

Cụ thể: 4 dự án nhà đầu tư dừng, không thực hiện bảo trì là dự án Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, Quốc lộ 1 đoạn tránh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1K đoạn Km 2+478 - Km 12+971 và Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy. Có 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa và Quốc lộ 91 đoạn Km 14 - Km 50+889.

Cơ quan nhà nước đúng là cũng chẳng sung sướng gì khi mà “vướng mắc lớn nhất về thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân” khiến việc chuyển giao kéo dài lê thê.

Và sau đó, như BOT Cầu Rác, còn phải bỏ tiền - không nhỏ để dọn rác.

Có lẽ, việc dọn rác BOT nhầm chỗ cũng nên coi là một bài học trong việc thương thảo các hợp đồng BOT để thật sự cái lợi thuộc về cả 3 bên: Nhà nước - nhà đầu tư - nhân dân thụ hưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn