MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nhà hàng, khách sạn tiếp tục đóng cửa. Đóng thông từ dịch bệnh đợt 1 đến dịch bệnh đợt 2 (Ảnh: Thanh Bình/LĐO)

Du lịch, dịch vụ- cần cấp cứu trước khi nó chết!

Anh Đào LDO | 08/08/2020 13:11

Đằng sau những bảng hiệu “đóng cửa” là những doanh nghiệp thoi thóp. Đằng sau những thông báo “huỷ tua” là những doanh nhân đã “kiệt máu”.

Quảng Ninh ngày 19.7.2020 ghi nhận một lượng khách du lịch kỷ lục: 100.000 người. Đông, đến mức dân mạng chơi chữ “xếp hàng vào bảo tàng”.

Du lịch và dịch vụ là động lực tăng trưởng số 1 của Quảng Ninh khi chiếm tỉ trọng tới 45,9% trong cơ cấu kinh tế.

Chỉ ngay sau dịch bệnh lần 1, với chính sách kích cầu du lịch, Quảng Ninh lập tức ghi nhận những con số kỷ lục của kỷ lục.

Trên toàn quốc, 2 triệu người tràn đi du lịch theo chủ trương kích cầu du lịch nội địa với cảnh “Quy Nhơn hết phòng”, “Phú Quốc 10 người/m2 sảnh”, “Biển cá hộp” ở Sầm Sơn…

Đông, vui, và loạn.

Đến mức, người ta bắt đầu lo về một thảm hoạ du lịch khi tất cả đều quá tải.

Đúng là thảm hoạ thực sự diễn ra, ngay lập tức, quá bất ngờ. Chỉ có điều đó là một thảm hoạ ngược do dịch bệnh bùng phát trở lại.

Từ 100.000 khách trong 1 ngày, suốt gần 2 tuần, từ 26.7 đến ngày 6.8, Quảng Ninh chỉ còn đúng 1.000 khách.

Trên toàn quốc, khắp nơi đóng băng, ngành du lịch lập tức khủng hoảng.

Gần 90% doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM phải tạm ngưng hoạt động;

764 khách sạn ở Hà Nội phải đóng cửa, 28.000 lao động mất việc.

Các trọng điểm Đà Lạt, Huế, Sầm Sơn, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang,... số lượng khách hủy tour lên đến 80-90%.

Và các doanh nghiệp, ngay lập tức rơi vào cảnh mà đại diện Saigontourist vừa thổn thức: "Tài chính đã cạn, mà tài chính là nguồn máu”.

Nói cái khó, tình trạng “kiệt máu” hay nỗi khốn đốn nghe… đơn giản, nhưng đằng sau đó là hàng chục vạn lao động, là một mũi nhọn, một động lực của nền kinh tế đang khủng hoảng và cần được cứu.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, trên Vietnam Finance vừa nhìn nhận chính sách tài khoá trong tình hình mới, rằng: "Đó phải là những chính sách tạo ra động lực tăng trưởng chứ không để xảy ra tình trạng trục lợi. Ngay cả việc đổ tiền thì cũng chỉ nên “giúp những doanh nghiệp có khả năng sống sót chứ không nên hà hơi thổi ngạt cho xác chết”.

Câu chuyện Quảng Ninh, với kỷ lục 100.000 khách/ngày, tỉ trọng 45,9% trong cơ cấu kinh tế hay con số bùng nổ 2 triệu khách du lịch sau dịch bệnh lần 1 đang cho thấy khả năng phục hồi kỳ diệu của du lịch. Điều đó cũng chỉ rõ du lịch chính là khu vực cần được cứu. Cấp cứu trước khi họ chết vì kiệt máu.

Chứ giờ, đại diện Sở Du lịch TPHCM vừa nói rồi, các chính sách hỗ trợ thuế phí, tín dụng, bảo hiểm đều… rất khó tiếp cận. Ngay cả đến gói 62.000 tỉ hỗ trợ 1 triệu đồng cho hướng dẫn viên đến nay vẫn…chưa thấy. Họ tồn tại bằng cách gì? 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn