MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Festival Nghề truyền thống Huế rộn ràng trước giờ khai mạc. Ảnh: Phúc Đạt

Du lịch miền Trung bắt đầu có phúc cùng hưởng

Hoàng Văn Minh LDO | 29/04/2023 07:47

Kỳ nghỉ lễ năm nay, khách du lịch đến các tỉnh miền Trung không còn tình trạng đắn đo lựa chọn Huế, Đà Nẵng hay Quảng Nam bởi sự liên kết giữa các địa phương đã bắt đầu đi vào thực chất.

Như thường lệ, năm nay, Festival Nghề truyền thống Huế khai mạc đúng dịp lễ 30.4 -1.5 với hàng chục sự kiện chính thức và hưởng ứng lớn nhỏ, được ví như những bữa tiệc thịnh soạn để phục vụ khách du lịch.

Và khác với những năm trước dịch COVID-19, năm nay, Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng – một sự kiện du lịch mang tầm quốc gia - được tổ chức vào đầu tháng 6 chứ không trùng với Festival Huế hay những lễ hội văn hoá lớn ở Quảng Nam.

Đổi lại, dịp lễ này, Đà Nẵng khai trương mùa du lịch biển với hàng loạt sự kiện liên quan nhằm thoả mãn cho đối tượng du khách chỉ thèm biển và không quan tâm lắm đến các lễ hội văn hoá.

Kết quả, tất nhiên cũng khác với những năm trước đó, khi lần đầu tiên, con số ước tính về lượng khách của các địa phương đồng loạt chạm và vượt đỉnh của năm 2019 – thời điểm trước dịch COVID-19.

Theo lãnh đạo của các Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, đây không phải là sự ngẫu nhiên mà nó là kết quả của sự bàn bạc kỹ lưỡng của lãnh đạo các địa phương trong chiến lược định vị nguồn khách.

Thứ nữa là giải quyết sự bất cập cứ đến hẹn là Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam cùng đồng loạt tổ chức các lễ hội văn hoá na ná nhau, khiến du khách luôn phải vò đầu bứt tai không biết phải đến địa phương nào thì không bỏ lỡ những sự hay ho của một chuyến du lịch.

Hệ luỵ kéo dài trong nhiều năm, là những dịp này, tại Đà Nẵng, khách du lịch luôn chật cứng đúng nghĩa, còn các địa phương lân cận lại hiu hắt chợ chiều bởi thực tế, Lễ hội Pháo hoa luôn có sức hút hơn những lễ hội văn hoá khác.

Các tỉnh miền Trung bắt đầu liên kết với nhau để phát triển du lịch bắt đầu từ hơn 20 năm trước, khi ông Paul Stone - lúc này là Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng - đã đưa ra ý tưởng về "Con đường Di sản miền Trung" để có phúc cùng hưởng trong việc thu hút, định vị nguồn khách.

Tuy nhiên rất nhiều năm sau đó, sự kết nối của các địa phương vẫn chỉ là kết nối cho có, không đi vào thực chất và vẫn mạnh ai nấy làm, dù lãnh đạo các địa phương đã có hơn chục lần ngồi lại với nhau bằng các hội thảo.

Mãi đến lần ngồi lại gần nhất vào năm 2021 giữa 5 tỉnh thành gồm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Đồng thời Đà Nẵng – hạt nhân của du lịch miền Trung - phê duyệt đề án phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với quan điểm chuyển từ “điểm du lịch” sang “vùng du lịch”, sự liên kết giữa các địa phương mới thật sự đi vào chiều sâu và bắt đầu cho quả ngọt.

Tất nhiên, con số khách du lịch đến các địa phương chạm và vượt ngưỡng năm 2019 mới chỉ là khởi đầu. Và quả ngọt hay phúc phần nào cũng sẽ có hạn định nếu sự liên kết của du lịch các tỉnh miền Trung "đánh trống bỏ dùi", chỉ có chiều sâu theo nhiệm kỳ lãnh đạo…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn