MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023 chỉ được 2,95 điểm, hạng 115 thế giới. Ảnh: Lao Động

Du lịch Việt Nam tụt bậc và báo động sự quá tải của hạ tầng dịch vụ

Hoàng Văn Minh LDO | 26/05/2024 06:00

Một thông tin không mấy vui khi Việt Nam đứng thứ 59 trong tổng số 119 điểm đến về chỉ số phát triển du lịch, tụt 7 bậc so với năm 2022, theo báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Chỉ số Phát triển du lịch (TTDI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 59, giảm 7 bậc so với năm 2022. Tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96/7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1/8 vào năm 2022.

Trong khối ASEAN, Việt Nam chỉ xếp trên Philippines (hạng 69), Campuchia (hạng 86) và Lào (hạng 91).

TTDI là bản nâng cấp của chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch của WEF công bố hai năm một lần, dựa trên bối cảnh mới sau đại dịch COVID-19.

Bộ chỉ số được xếp hạng dựa trên 5 nhóm chính với 17 lĩnh vực để chấm điểm. Và đáng nói là điểm thấp nhất của ngành du lịch Việt Nam năm 2023 là hạ tầng dịch vụ (2,2 điểm, hạng 80) và tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch (2,95 điểm, hạng 115).

Hạ tầng dịch vụ của du lịch, bao gồm dịch vụ hàng không, mặt đất, cảng và các dịch vụ du lịch như khách sạn hay thuê xe… là những thành tố đóng vai trò rất quan trọng trong khả năng cạnh tranh của ngành du lịch lữ hành của một địa phương hay đất nước.

Việc hạ tầng dịch vụ du lịch của chúng ta trong năm 2023 chỉ được chấm 2,2 điểm, xếp hạng 80 của thế giới đã phản ánh một thực tế đáng báo động.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam nói chung đều phát triển với sự xuất hiện của nhiều công trình tầm cỡ để phục vụ du khách trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để xóa đi thực trạng, mỗi khi đến mùa du lịch thì những hình ảnh quen thuộc lại tái diễn: Hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng.

Tiếp đến là số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương đang tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách.

Rồi hệ thống dừng nghỉ trên đường tới các địa điểm du lịch ở Việt Nam còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa được quy hoạch đồng bộ…

Chỉ số tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch, hiểu nôm na là sự tác động, tạo công ăn việc làm, đóng góp của ngành du lịch đối với tổng sản phẩm trong nước và từng địa phương cụ thể.

Việc chỉ số này còn thấp hơn chỉ số hạ tầng, lại phản ánh một thực tế đáng lo ngại khác.

Nếu như trước dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành.

Thì sau dịch, có những thời điểm, sự đóng góp này là gần như bằng 0. Và đến thời điểm này, mặc dù du lịch trên đà phục hồi rất lạc quan, nhưng sự đóng góp, tác động… vẫn còn rất khiêm tốn.

Chỉ số tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch thấp là do nhiều nguyên nhân. Nhưng suy cho cùng thì hệ lụy và nguyên nhân lớn nhất vẫn đến từ sự thấp điểm - quá tải, thiếu đồng bộ của chỉ số hạ tầng dịch vụ.

Vậy nên muốn nâng bậc du lịch trên các bảng xếp hạng cũng như có sự đóng góp kinh tế thực thụ, hãy bắt đầu từ việc cải thiện chỉ số hạ tầng!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn