MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dù thế nào thì trẻ em và phụ nữ mang thai cũng phải được bảo vệ an toàn

Hoàng Văn Minh LDO | 18/06/2024 21:00

Đang có những tranh luận rất sôi nổi quanh Nghị quyết quy định chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hôm 24.4 thông qua Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024 tới đây.

Nghị quyết này có nội dung: "Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai".

Hiểu nôm na là dù vợ có ngoại tình, vi phạm nghĩa vụ một vợ một chồng dẫn đến mang thai với người đàn ông khác thì chồng vẫn không được phép ly hôn trong thời gian vợ đang mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nội dung này trong Nghị quyết đã và đang gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội mấy hôm nay.

Trong đó luồng ý kiến chiếm số đông, rằng đây là quy định hết sức vô lý, khó chấp nhận, gây thiệt thòi cho đàn ông.

Thực tế thì nội dung này không phải là quy định mới, mà đã được thể hiện tại Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nay Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ lần nữa hướng dẫn, “làm rõ thêm” bằng Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP. Và đây là một sự hướng dẫn, làm rõ cần thiết.

Vậy nên việc “chia phe” tranh cãi về nội dung này như trên mạng xã hội mấy hôm nay, suy cho cùng thì vẫn là tranh cãi ở phạm trù đạo đức, văn hóa truyền thống nhiều hơn.

Và sự tranh cãi này còn cho thấy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, phần nào đó vẫn chưa thật sự “đi vào cuộc sống” như mong muốn.

Luật Hôn nhân gia đình, cũng như các bộ luật khác, trước hết là cơ sở nền tảng để điều chỉnh các hành vi cá nhân, các quan hệ xã hội, bảo vệ các đối tượng yếu thế, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển bền vững.

Dĩ nhiên, vì nhiều lý do khác nhau cả khách quan lẫn chủ quan, có nơi có lúc, Luật Hôn nhân gia đình và các bộ luật khác sẽ chưa thật sự “đi vào cuộc sống” hoặc đi theo kiểu “gập ghềnh”, “trúc trắc”...

Ví như sẽ có không ít người đàn ông ở trong hoàn cảnh của nội dung chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai và sinh con, không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai, mà Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP vừa hướng dẫn sẽ bất chấp tất cả, bằng mọi giá để ly hôn, thỏa thuận ly hôn và dĩ nhiên là vi phạm luật.

Hoặc cũng có người chọn phương án ly thân để giải quyết tình huống éo le, khó xử trước mắt.

Hoặc cũng có tình huống tuân thủ luật đến mức ngạc nhiên. Hoặc nảy sinh, bộc phát nhiều lời nói, hành động… rất tiêu cực tùy vào nhận thức, trình độ văn hóa và hoàn cảnh cụ thể.

Nhưng trên tất cả, phần làm rõ trong Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP cũng như Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nội dung chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con, không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai, là hợp lý, nhân văn.

Dù có thế nào thì trẻ em và phụ nữ mang thai cũng phải được bảo vệ an toàn tuyệt đối dưới mọi hình thức!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn