MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan tại các phòng khám liên quan vụ làm khống giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Hà Anh Chiến

Dùng bằng giả hành nghề bác sĩ và "con voi chui lọt lỗ kim"

Hoàng Văn Minh LDO | 05/06/2023 15:24

"Bác sĩ giả" và bác sĩ ký khống vào hàng trăm giấy khám sức khoẻ để hưởng Bảo hiểm xã hội là 2 vụ lùm xùm mới nhất liên quan đến ngành Y tế, không hiểu sao lại như ngẫu nhiên đến từ một địa phương là tỉnh Đồng Nai.

Đầu tiên là liên quan đến vụ khám xét 6 phòng khám làm khống giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm xã hội, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Biên Hòa vừa ra quyết định tạm giữ hình sự 18 đối tượng để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trong các đối tượng bị tạm giữ có 5 bác sĩ (trong đó có 3 bác sĩ là Trưởng các phòng khám: đa khoa Long Bình Tân, đa khoa Tân Long và đa khoa Hiền Phước); 2 bác sĩ là Phó trưởng phòng khám đa khoa Tam Đức và bác sĩ chuyên khoa tại phòng khám đa khoa Mỹ Đức.

Còn lại 13 đối tượng là dược sĩ, nhân viên y tế và đối tượng chuyên môi giới để làm giả các loại giấy tờ liên quan.

Khi khám xét tại các phòng khám, địa điểm liên quan, công an đã phát hiện và thu giữ hơn 130 ngàn giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng BHXH, hơn 400 giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám.

Bước đầu, công an xác định, các đối tượng này đã làm giả các loại giấy tờ trên bán cho các công nhân lao động tại các công ty để quyết toán tiền BHXH, BHYT.

Vụ thứ 2, chấn động hơn là Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã ra kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Trần Xuân Ngọc (thường trú tại TP.HCM) về hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Trước đó, cuối tháng 4.2020, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai kiểm tra phòng khám đa khoa ở xã Đại Phước (Nhơn Trạch) phát hiện bằng tốt nghiệp đại học y khoa mang tên Trần Xuân Ngọc, có nhiều nghi vấn được làm giả nên tạm giữ và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an.

Làm việc với cơ quan điều tra, Ngọc khai học lớp bác sĩ Y đa khoa của trường Y Dược TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, Ngọc sử dụng tấm bằng trên đi xin việc và được nhận vào làm việc tại nhiều bệnh viện tại TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng số tiền lương nhận được từ các bệnh viện, đơn vị bảo hiểm xã hội gần 637 triệu đồng.

Tuy nhiên cơ quan điều tra kết luận Ngọc không học trường đại học Y Dược TP.HCM. Ngoài ra, kết luận giám định con dấu, chữ ký trên bằng đều là giả.

Việc các phòng khám và bác sĩ cùng những người liên quan làm khống giấy chứng nhận sức khoẻ để trục lợi BHXH không phải là lần đầu được phát hiện ở Đồng Nai – địa bàn có rất đông công nhân lao động cư trú.

Tuy nhiên, việc một phụ nữ dùng bằng giả để hành nghề bác sĩ ở rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế khác nhau ở nhiều địa phương khác nhau là chuyện quá lạ, quá hiếm và vô cùng nguy hiểm.

Bởi bác sĩ làm khống giấy khám sức khoẻ, cùng lắm thì BHXH mất tiền. Một công chức sử dụng bằng giả, cùng lắm thì bao biện cho việc không có năng lực bằng việc sợ sai, đùn đẩy sợ trách nhiệm như đang khá phổ biển.

Nhưng một bác sĩ lại hành nghề với bằng cấp giả, lại chưa từng một ngày học nghề y thì vô cùng nguy hại đối với người bệnh và ngành Y.

Ngoài việc truy tố theo pháp luật, ngành Y tế nhân việc này cũng cần xem lại quy trình tuyển dụng và giám sát công việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế hiện nay.

Với những ngành nghề khác, nếu dùng bằng giả thì tổ chức, đồng nghiệp có thể không biết.

Nhưng với một nghề thực hành hàng ngày như nghề Y, “bác sĩ giả” mà vẫn kiếm được 637 triệu đồng tiền lương và bảo hiểm ở nhiều bệnh viện rồi mới bị lộ thì khác gì chuyện "con voi chui lọt lỗ kim"!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn