MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đừng cố hiểu sai bức tượng "Người đàn ông cúi chào"

Hoàng Văn Minh LDO | 10/05/2023 13:58

Cuối cùng thì bức tượng “Người đàn ông cúi chào” của nhà điêu khắc người Hàn Quốc Yoo Young Ho cũng được yên vị bên bờ sông Hương của Huế, nhưng tranh cãi về nó vẫn còn chưa dứt.

Sau hơn 3 năm “hoãn binh” để cân nhắc, lắng nghe ý kiến, mới đây, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định tiếp nhận và cho đặt bức tượng “Người đàn ông cúi chào” (tiếng Anh: Greetingman; tiếng Hàn: 그리팅맨) – một dự án nghệ thuật cộng đồng hiện đại của nhà điêu khắc người Hàn Quốc Yoo Young Ho ở công viên bờ Nam sông Hương.

Bức tượng “Người đàn ông cúi chào” tại công viên ở bờ Nam sông Hương, thành phố Huế. Ảnh: Tường Minh

Đây là bức tượng do Thị trưởng thành phố Namyangju (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) tặng thành phố Huế nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt - Hàn.

Theo nhà điêu khắc Yoo Young Ho, “Người đàn ông cúi đầu” hay "Greetingman" khắc họa hình tượng một người đàn ông cao 6m, đứng trong tư thế cúi đầu chào. Hình tượng này biểu trưng cho sự gặp gỡ, tôn trọng, thán phục, hòa giải và hòa bình.

Riêng nước da màu xanh dương của tượng mang ý nghĩa không định kiến sắc tộc, khỏa thân có nghĩa không phân biệt sang hèn. Thông điệp là hòa bình và hòa giải vượt qua mọi giới hạn giữa các nền văn hóa và sắc tộc khác nhau.

Cho đến nay, bức tượng Greetingman đã được lắp đặt tại hơn mười địa điểm trên khắp thế giới. Bức tượng sẽ tiếp tục được phổ biến ở nhiều nơi trên trái đất, thúc đẩy giao tiếp, tôn trọng và khiêm tốn, đồng thời truyền bá thông điệp hòa bình dưới bất kỳ hình thức chào hỏi nào.

"Chào hỏi là sự khởi đầu của tất cả các mối quan hệ" - trang web của dự án Greetingman dẫn lời Yoo Young Ho cho biết: “Đây là một dự án nghệ thuật cộng đồng, hiện đại, có sự tương tác với công chúng. Ví như khi thấy tượng cúi chào thì công chúng sẽ cúi chào lại bức tượng” - Yoo Young Ho phát biểu trên trang web của dự án và đặt câu hỏi: “Bạn sẽ có cảm giác thế nào khi có một người khổng lồ cúi chào mình?”.

Câu trả lời từ Huế và Việt Nam, xuất hiện trên báo chí và mạng xã hội là: Nhiều ý kiến chia sẻ theo hướng đồng thuận với việc lắp đặt tượng tại công viên bờ Nam sông Hương, “để Huế phải khác đi, Huế luôn luôn mới” như một câu slogan thịnh hành từ nhiều năm nay.

Nhưng cũng nhiều người ở Huế và từ khắp nơi trên cả nước cũng có ý kiến khác, theo cách đặt vấn đề một bức tượng loã thể như vậy xuất hiện ở Huế Cố đô, vốn khiêm cung, gia giáo là thiếu phù hợp.

Nhiều ý kiến nhân danh bảo tồn những giá trị của văn hóa nói chung, văn hóa Cố đô Huế nói riêng, nhưng muốn thể hiện giá trị hiểu biết của cá nhân mình, hơn là cố gắng tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện và xa hơn nữa là giá trị của nghệ thuật và thẩm mỹ nói chung, vô tình đã quá đà trong phán xét.

“Huế luôn luôn mới” là một câu slogan đầy khát khao thay đổi của chính quyền và người dân. Thế nhưng Huế sẽ còn lâu mới mới được, nếu để bức tượng “Người đàn ông cúi chào” bị những tư duy bó hẹp và cũ mòn... chào thua!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn