MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngừng trệ, không thể để Tết trở thành một cơ hội làm gia tăng chi phí không chính thức. Ảnh: Vũ Long

Đừng để cuối năm là dịp “làm tiền”, hành hạ doanh nghiệp

Đào Tuấn LDO | 24/12/2022 17:00

“Phải giảm mạnh khâu kiểm tra, giám sát không cần thiết; kiểm tra, giám sát quá mức sẽ thành ra quấy nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, làm doanh nghiệp không còn thời gian, sức lực để phát triển”.

Ngoặc kép là đề xuất của ông Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Một ý kiến rất đáng chú ý, nhất là vào dịp cuối năm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng của năm 2022, đã có 132.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng đến 24,3% so với cùng kỳ 2021.

Khó khăn đang chồng chất khó khăn: Thị trường toàn cầu suy giảm. Đứt gãy các đơn hàng. Chi phí tăng rất cao. Và dòng tiền nữa: Đang cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh, các kênh huy động vốn từ chứng khoán, tín dụng doanh nghiệp cho đến ngân hàng đều đang rất hẹp. Trong khi lãi suất thì nhiều thời điểm đã vượt hai con số.

Báo Tuổi trẻ, dẫn lời ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nói đến một thực tế là: Sự lạc quan của doanh nghiệp giảm đi nhiều.

Đến thời điểm này, còn gắng gượng sản xuất, còn có thể duy trì việc làm, còn có thể trả lương thưởng cho người lao động đã là một cố gắng rất lớn, rất nỗ lực, rất đáng biểu dương, rất cần được ủng hộ giúp đỡ.

Thủ tướng đã yêu cầu khơi thông dòng vốn cho sản xuất. Thống đốc Ngân hàng nhà nước, vừa xong, cũng yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất xuống dưới 9,5%... Những biện pháp rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhưng hỗ trợ cũng còn có nghĩa là đừng làm khó doanh nghiệp nữa, nhất là dịp cận Tết, giai đoạn mà dân gian gọi là “tháng củ mật”.

Báo cáo PCI công bố hồi tháng 4.2022 cho biết, tỉ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức vẫn ở mức 41,4%, và vẫn xảy ra ở hầu hết lĩnh vực: Quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, phòng cháy chữa cháy, đất đai, xây dựng...

Báo cáo được công bố sau một năm sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Không dễ một sớm một chiều để xoá bỏ tình trạng này. Nhưng để có thể tháo gỡ, nó cần được nhìn nhận chính xác là những “chi phí dưới gầm bàn”, là tham nhũng, tiêu cực đang khiến doanh nghiệp không chỉ tăng chi phí mà còn gây ra rất nhiều khó khăn.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Thanh tra Chính phủ xem xét để có biện pháp khắc phục, xử lý tình trạng chống chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh kiểm tra.

Một động thái rất cần thiết để thật sự gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc giảm chi phí không chính thức, đặc biệt là những nhũng nhiễu nhân danh thanh kiểm tra dịp cuối năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn