MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: Blogspot

Đừng để mặc nhiên những thế hệ nữ sinh kính cận bụng phệ

Đào Tuấn LDO | 09/06/2016 06:10
“Chấm dứt tuyệt đối”, “Cấm”, “dứt khoát”... đây là những từ ngữ rất mạnh mẽ từ Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khi ông nói về nạn dạy thêm, học thêm.
Kèm liền, là một hạn định cụ thể “Dứt khoát trong năm học tới TPHCM phải chấm dứt dạy thêm, học thêm, ngoại trừ phụ đạo học sinh yếu. Tuyệt đối không mở các lớp dạy thêm, học thêm tại các trường”.

 

Nghe ông Thăng nói, thấy tủi cho phận làm cha mẹ. Thấy thương cho con em mình ngồi gù lưng cả ngày ở trường, cả tối ở nhà, và cả thứ bảy, chủ nhật ở... nhà thầy cô chỉ vì cái tâm lý xã hội giờ đã thành một thứ phản xạ ăn sâu vào tiềm thức: Con người ta học thêm, con mình không thể đi chơi.

Chúng ta có những nhùng nhằng từ chính câu chuyện thêm thêm, bớt bớt này.

Còn nhớ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17 về chuyện dạy thêm, học thêm. Ngay sau đó, các địa phương hừng hực vào cuộc mà nhiệt tình nhất không thể không kể tới vụ “bắt dạy thêm như bắt trộm” ở Hải Phòng.

Những giọt nước mắt và lời thổn thức mang tính tập thể của những “kỹ sư tâm hồn” khi ấy đã khiến ngay chính những phụ huynh vừa hôm trước còn lên án dạy thêm, học thêm bỗng “rơi nước mắt”. “Bầu máu nóng số 17” bỗng nhiên lạnh băng.

Tới cuối năm 2014, một chỉ thị “chấn chỉnh Thông tư số 17” tiếp tục được ban hành, rành rành trong đó rất nhiều chữ “Không” khiến mấy chục triệu phụ huynh đồng loạt... nức lòng: Không giao bài tập về nhà; Không “luyện gà nòi”; không thi học sinh giỏi; và tất nhiên, không dạy thêm, học thêm.

Sau đó thì sao? Sau đó thì “trận đánh lớn” dang dở. Sau đó thì... hết nhiệm kỳ. Sau đó “thi xong xuôi tất cả lại về”. Và những thế hệ nữ sinh kính cận bụng phệ, những nam sinh robot tiếp tục như... truyền thống.

Có người nói đúng: Bộ trưởng nào chỉ cần cấm được dạy thêm, học thêm, chỉ làm được việc không giao bài tập về nhà, thế là đã có một nhiệm kỳ thành công cho không chỉ một thế hệ hiện tại.

Và muốn thành công, không thể thiếu sự quyết đoán. Dẫu muốn thành công, bài toán giảm tải chương trình, cắt bỏ những bài học vô bổ phải được tính toán. Dẫu muốn xóa bỏ cái tệ đè nặng bao nhiêu thế hệ này cần có những biện pháp đồng bộ - tưởng chẳng liên quan gì đến giáo dục như việc nâng cao đời sống giáo viên để lời hứa “sống được bằng lương” trở thành sự thật sau gần một thập kỷ...

“Đừng để sang năm gặp lại các cháu, tiếp tục hứa hẹn rồi không làm” - ông Thăng, hôm qua đã nói như thế.

Thông điệp ấy - chắc chắn rồi - không phải chỉ riêng cha mẹ hay học sinh TPHCM muốn nghe đâu!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn