MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ga Cát Linh thuộc Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: PĐ

Đừng để người dân mất niềm tin thêm nữa!

Tiến Nguyễn LDO | 25/11/2019 11:20

Sau 4 năm lỡ hẹn với 8 lần lùi tiến độ, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho biết: nếu như mọi việc suôn sẻ, cuối tháng 12 năm nay dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể được đưa vào khai thác thương mại. Đây là một tin vui đối với người dân Thủ đô, thế nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi, liệu có thêm lần lùi tiến độ thứ 9(!?). 

Được kỳ vọng là tuyến đường hiện đại, giải tỏa áp lực giao thông đô thị của Hà Nội, tuy nhiên, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng), sau đó điều chỉnh tăng lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), qua 4 đời Bộ trưởng, 8 lần lùi tiến độ vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại.

Khởi công tháng 10.2011, theo dự kiến thì đến tháng 5.2015, Dự án sẽ đưa vào khai thác. Thế nhưng, tháng 7.2015, tổng thầu EPC (công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) mới báo cáo đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ.

Liên tiếp các mốc tiến độ tiếp theo được đưa ra, tháng 6.2016, quý 2.2017, đầu năm 2018, quý 4.2018, tháng 9.2018, tết âm lịch năm 2019 và cuối tháng 4.2019, dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Thế nhưng, càng chờ càng mỏi, cứ sau mỗi mốc thời gian gia hạn tiến độ, Dự án lại phải xin lùi, cực chẳng đã, đến nay cũng hơn 4 năm với 8 lần lùi tiến độ.

Chưa nói đến đây là một dự án đội vốn khủng (gấp hơn 2 lần tổng vốn đầu tư ban đầu được phê duyệt), chỉ cần nghĩ tới những lời hứa trước nhân dân về việc hoàn thành theo đúng tiến độ, nhưng không thực hiện được, đã làm nhân dân mất niềm tin lớn như thế nào.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 5.6.2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thẳng thắn thừa nhận: Thiết kế cơ sở ban đầu của Dự án còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật…

Một Dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư lớn, đáng ra việc thẩm định thiết kế, giám sát thi công phải được thực hiện hết sức nghiêm ngặt thì bộ Giao thông Vận tải lại trả lời một cách thiếu trách nhiệm với hai từ “sơ sài”.

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 12.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT thúc đẩy giải quyết, chủ trì xử lý những vấn đề đặt ra, sớm đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động. Đó được coi là “tối hậu thư” cho chủ đầu tư cũng như các đơn vị đang thi công Dự án.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, mỗi năm thành phố phải trả lãi vay gần 300 tỷ đồng cho vận hành dự án. Đây là con số không hề nhỏ khi dự án chưa đi vào hoạt động. Và nếu, cuối tháng 12.2019, Dự án vẫn chưa thể vận hành thương mại thì thêm một lần, chính quyền lại thất hứa với nhân dân.

Thế nên, đừng để người dân mất niềm tin thêm nữa!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn