MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua (giữa) - "cha đẻ" của gạo ST25. Ảnh: Lao Động

Đừng để “phải xin lỗi Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua” thêm lần nữa

Hoàng Văn Minh LDO | 19/03/2024 12:04

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nói: “Tôi đã phải xin lỗi Anh hùng lao động Hồ Quang Cua vì nhiều hạn chế trong công tác chỉ đạo của mình”.

Hôm 18.3, tại Cần Thơ đã diễn ra một sự kiện rất đáng chú ý là Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam chủ trì.

Nói đáng chú ý là bởi xây dựng thương hiệu nông sản là chuyện đại sự, có ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu và nồi cơm của từng người dân. Trong bối cảnh, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác - theo như thông tin của ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

Đặc biệt, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Và mới chỉ có 2/13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng kí bảo hộ tại Việt Nam gồm: Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và Gạo Việt Nam (Bộ NNPTNT làm chủ sở hữu).

Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Về chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản chậm trễ, thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều bài học xương máu về việc thương hiệu nông sản Việt bị lấy mất ở thị trường nước ngoài.

Điển hình là nước mắm Phú Quốc bị các công ty tại Thái Lan sử dụng trên các sản phẩm nước mắm của họ xuất khẩu sang Mỹ, Úc và châu Âu; nước mắm Phan Thiết bị đăng ký tại Mỹ; cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký tại Trung Quốc; cà phê Đắk Lắk bị đăng ký tại Pháp...

Mới nhất là vụ việc gạo ST25 của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua bị đơn vị nước ngoài đăng kí bảo hộ độc quyền, doanh nghiệp phải mất đến 4 năm tự đi xử lý để bảo vệ mình. Và ông Hồ Quang Cua đã đúc kết "Đó là khóa học 4 năm đầy gian nan và tốn kém".

Nhân chuyện về vụ gạo ST25, trong hội thảo hôm qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã làm nhiều người bất ngờ khi kể là “Tôi đã phải xin lỗi Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua vì nhiều hạn chế trong công tác chỉ đạo của mình”.

Và không chỉ xin lỗi hay nhận trách nhiệm suông, Thứ trưởng Trần Thanh Nam còn cho thấy sự quyết tâm khi nói hiện Việt Nam có 2 việc “phải bắt tay vào làm ngay, không ngồi chờ nữa vì đã quá lâu rồi”.

Việc thứ nhất là xây dựng nhãn hiệu nông sản để bảo vệ giá trị sản phẩm của mình; bắt đầu từ tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc. Việc thứ 2 là xây dựng chuỗi giá trị; từ nguồn giống đến khi ra được sản phẩm, qua đơn vị của quốc gia về quản lý chất lượng sản phẩm, Cục Sở hữu trí tuệ…

Hy vọng sau hội nghị này, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam sẽ bước sang một chương mới. Để tới đây sẽ không có thêm lời “tôi đã phải xin lỗi Anh hùng lao động Hồ Quang Cua” hay “bài học xương máu” nào nữa!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn