MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trượt vòng “hồ sơ” Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam vì lí do môn Âm nhạc và Thể dục chỉ ở mức Hoàn thành. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Đừng "giành giật" sống thay cuộc đời con trẻ

Duy Thiên LDO | 03/06/2023 06:12

Mấy ngày qua, một phụ huynh ở Thanh Xuân (Hà Nội) thẫn thờ và sốc trước việc con mình suốt 5 năm học tiểu học toàn điểm 10, vẫn trượt từ vòng loại hồ sơ vào trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Một người bạn của tôi cũng vừa hốt hoảng chia sẻ, con trai anh đặt dòng tâm trạng “Xin lỗi ba mẹ vì con đã sinh ra đời”.

Anh ấy tự kiểm điểm rất nghiêm khắc xem có phải đã đặt áp lực quá cao và sống thay cuộc đời con, khiến con thất vọng về bản thân đến mức độ bi quan như vậy.

Tại sao phụ huynh chúng ta lại “hốt hoảng”, “thẫn thờ” và bất ngờ trước sự tự ti, thất vọng và thất bại của con cái? Khi mà cuộc sống không chỉ màu hồng và chiến thắng không bao giờ là mãi mãi. 

Trường hợp của con vị phụ huynh nọ bị loại, chỉ vì kết quả môn Âm nhạc và Thể dục chỉ đạt mức “Hoàn thành”, không hẳn đã là điều gì đó quá tiêu cực. Một cánh cửa đóng lại, vẫn còn vô vàn cánh cửa khác mở ra mà không ai có thể khẳng định con đường phía trước, dẫu không phải đường pitch để có cơ hội giành ngôi vị cao cũng có nghĩa con đường ấy không mang đến vòng nguyệt quế. 

Văn hóa Á Đông khiến chúng ta lầm tưởng, cả đời hy sinh vì con cái không phải là một lựa chọn mà là mục đích sống. Rất nhiều người mở miệng ra là nói “sống vì con”, “sống cho con” nhưng không một ai đặt câu hỏi cho con cái mình rằng: “Các con sống vì ai?”

Hơn hết, mỗi người trên cuộc đời này phải sống vì bản thân trước tiên. Mình tự giữ sức khỏe sẽ không làm phiền người khác phải chăm sóc. Mình tự trau dồi tri thức, trở thành người có ích sẽ không phiền lụy tới ai. Mình tự rèn luyện, sống có bản lĩnh, biết tự bảo vệ, sẽ không thụ động, lệ thuộc và bị ai khống chế. Mỗi cá nhân phải mạnh khỏe, có trí tuệ, đủ bản lĩnh mới có thể chăm sóc, chăm lo được cho người thân và đóng góp cho xã hội.  

Rất nhiều bậc phụ huynh, giành hết việc nhà với lý do “cháu học nhiều lắm, không có thời gian”. Kết quả là có những đứa trẻ lớn tồng ngồng, đứng cao hơn mẹ cả cái đầu, nặng hơn cha cả chục kilogam nhưng vẫn ngửa cổ chờ mẹ đóng cúc áo và chờ cha mở nắp chai nước đưa lên tận miệng, chứ chưa nói đến chuyện biết tự giác làm việc nhà, đỡ đần cha mẹ. Những gia đình ấy, đã góp phần “giúp” xã hội đào tạo một thế hệ “gà gô”, chỉ biết học, biết lý thuyết mà thiếu đi kỹ năng sống tối thiểu. 

Điều ấy có lợi hay không, câu trả lời hẳn mỗi người tự thấy rõ!

Nếu tư tưởng và cách làm ấy còn kéo dài, chúng ta nhìn thấy tương lai của xã hội có nhiều con người ích kỷ, không tự biết đâu là trách nhiệm, đâu là nghĩa vụ, đâu là ham muốn của bản thân. Và… niềm vui cuộc sống chính là sự định hướng, áp đặt thô bạo của cha mẹ với ý nghĩ “tốt cho con”.

Bộ phim đình đám của Trấn Thành dịp Tết 2023 – “Nhà bà Nữ”, có câu nói của cô con gái út Ngọc Nhi khi “nổi loạn”, ngầm chống đối sự hà khắc của người mẹ thương con nhất mực rằng: “Thất bại cũng là quyền của con người” và “Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ” – thực sự có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Các bậc cha mẹ hãy dừng việc “giành giật”, sống thay cuộc đời của các con mình. Nên hỏi chúng muốn gì để tôn trọng, định hướng và ủng hộ con. Để chúng hiểu phải tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của bản thân.

Quan trọng hơn hết, ngay kể cả khi thất bại cùng đường, chúng nhớ rằng, luôn còn một lối đi quen thuộc: Về nhà – nơi có cha mẹ luôn động viên đi tiếp hành trình mới!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn