MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an thị trấn Dương Đông bêu tên người bán dâm giữa chốn đông người. Ảnh cắt từ clip. (Nguồn: Zing)

Đừng làm nhục người ta thêm một lần nữa!

Anh Đào LDO | 01/02/2018 15:50

Sau khi Công an thị trấn Dương Đông, Phú Quốc tích cực đưa những người mua, bán dâm “bêu tên” giữa đường, giờ đây Công an Kiên Giang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm để... xin lỗi họ.

Vào hôm 29.1, Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã đưa 4 người (gồm 1 nam, 3 nữ) bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi mua, bán dâm ra đường rồi phát loa đọc quyết định xử phạt hành chính về hành vi mua bán dâm giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đường, theo đúng nghĩa đen của từ này.

Ngoài tên, tuổi và nơi cư trú cụ thể, ngay cả hành vi vi phạm cụ thể của từng người vi phạm cũng... công khai. Công an thậm chí còn yêu cầu người bị bêu tên bước lên cho người đi đường... nhìn mặt.

Cho dù việc bêu tên người mua bán dâm diễn ra tại nơi đông người dân qua lại, kể cả trẻ em và người nước ngoài gây ra phản ứng dữ dội trên mạng nhưng theo báo chí, trong báo cáo vụ việc, Công an thị trấn Dương Đông không thừa nhận việc tổ chức giáo dục công khai bêu tên đối tượng mua, bán dâm ngay tại vỉa hè là sai trái. Đơn vị này cho rằng họ làm đúng quy trình.

Trong buổi họp báo sáng 1.2, Công an Kiên Giang cho biết, hiện đang thành lập tổ kiểm tra quy trình công khai hoá, tổ chức tìm 2 người mua - bán dâm bị công khai hoá để tiến hành xin lỗi. Và sau vụ việc này, rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng tránh để xảy ra sai sót tương tự.

Đấu tranh với các loại tệ nạn xã hội là đúng. Nhưng đấu tranh như thế nào công khai hành vi vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho dân đến đâu lại có những giới hạn, những ràng buộc pháp luật mà những người bảo vệ pháp luật trước hết phải tuân theo.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền, hiện không có quy định về công khai danh tính người mua bán dâm. “Pháp luật về phòng chống mại dâm đã quy định rõ người mua bán dâm chỉ bị phạt cảnh cáo hay phạt tiền... Nếu là cán bộ, công chức thì có thể thông báo cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục hay xử lý kỷ luật - ông Hiền cho biết.

Và theo ông, pháp luật đã quy định thế nào thì cơ quan chức năng cứ làm đúng như thế. Bất kể là công khai ở cơ quan hay ngoài đường đều không được.

Vụ bêu tên là một điển hình về lạm quyền, và làm nhục người khác. Và việc xử lý nên là rút kinh nghiệm, coi đó như một bài học trong chấp pháp, thay vì cứng ngắc tìm kiếm, để xin lỗi hay bao biện bằng những quy trình.

Chẳng có pháp luật nào định ra một thứ quy trình làm nhục người khác ngay cả khi người ta có vi phạm pháp luật. Cũng như chẳng còn là xin lỗi nếu sự cứng nhắc ấy lại vô tình làm nhục người ta thêm một lần nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn