MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 400ha rừng ở Đắk Lắk vừa bị chặt phá, lấn chiếm đất. Ảnh: BT

Đừng quan niệm hết cây, sạch gỗ thì xóa rừng

Thanh Hải LDO | 10/04/2022 09:50
Vụ phá gần 400ha rừng tại xã biên giới Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ bởi nhiều cây gỗ tự nhiên bị triệt hạ, diện tích đất bị lấn chiếm quá lớn, mà quan niệm về rừng và ứng xử với đất rừng đang có nguy cơ làm mất rừng vĩnh viễn...  

Cho đến hôm nay (10.4), theo thống kê của Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích rừng bị phá ở xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp đã lên gần 400ha. Khi mới phát hiện, theo báo cáo của ngành kiểm lâm, có 100ha rừng bị mất nhưng càng kiểm tra thì càng phát hiện ra nhiều diện tích rừng đã bị phá, lấn chiếm. Và đây chưa phải là con số cuối cùng về diện tích đất rừng bị mất.

Thực trạng phá rừng ở khu vực biên giới này đã từng xảy ra, diễn biến phức tạp. Chính vì vậy mà Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã từng có văn bản cảnh báo, chỉ đạo các đơn vị ngành dọc và đề nghị cơ quan chức năng địa phương theo dõi chặt chẽ để có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, vụ phá rừng ở xã Ya Tờ Mốt vẫn xảy ra, không ngăn chặn được.

Điều đáng quan ngại là rất nhiều ý kiến, kể cả nhận định từ cơ quan chức năng, rằng trong vụ phá rừng lần này, sản lượng gỗ bị ảnh hưởng là không đáng kể vì rừng trồng và cây nhỏ, ít có giá trị về kinh tế...; vụ phá rừng chủ yếu để lấy đất làm nông nghiệp.

Khu vực rừng nói trên đã được UBND huyện Ea Súp giao cho UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý. Tiếp đó, UBND xã lại giao cho các nhóm hộ xã Ya Tờ Mốt nhận khoán và sử dụng ổn định vào mục đích lâm nghiệp. Hiện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đất Vàng Ban Mê đang xin chủ trương khảo sát để lập dự án trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn trái, cây công nghiệp tại các tiểu khu 202, 205, 218 (xã Ya Tờ Mốt)...

Phá rừng là hành vi nghiêm trọng, nhưng ứng xử với đất rừng sau khi bị đốn gỗ, lấn đất như việc đề xuất chuyển sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp... là đáng báo động. Bởi, nếu xóa rừng bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì chẳng bao lâu, rừng sẽ mất vĩnh viễn.

Không chỉ ở Đắk Lắk, trước đây tại Quảng Nam, chính quyền cũng đã từng lý giải tương tự khi quyết định giao đất cho dự án làm thủy điện ở vùng núi cao Nam Trà My. UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng đất rừng giao cho nhà đầu tư chủ yếu là đồi núi trọc, rừng nghèo... Tại Lâm Đồng,  Đắk Nông từng liên tiếp xảy ra các vụ "lấn rừng nhỏ giọt", bằng cách đầu độc cho thông chết, xin chuyển đổi dần đất rừng khi ở đó không còn gỗ.

Bản thân những vùng đất đồi núi, ở thượng nguồn, trên cao nguyên... vốn là rừng nguyên sinh, dù rừng đã bị tàn phá, cây gỗ lớn không còn, nhưng vùng đất đó vẫn là đất rừng. Vì vậy, ngoài việc khởi tố, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, các địa phương cần phải có giải pháp phục hồi lại rừng. Không vì hết cây, sạch gỗ mà cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bởi nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì rừng sẽ mất vĩnh viễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn