MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, đổ trụ bê tông chặn đường giao thông, ngăn xe vận chuyển cát trái phép. Ảnh: Ngọc Viên

Dựng trụ bê tông chặn đường, ngăn cát tặc là biểu hiện bất lực trong quản lý

Thanh Hải LDO | 26/01/2024 20:31

Cát tặc tiếp tục lộng hành, tỉnh Quảng Ngãi đã phải chi hàng trăm triệu đồng, đúc các trụ bê tông, bít đường giao thông để ngăn ôtô vận chuyển cát trái phép.

Trong khi giá cát xây dựng trên thị trường xấp xỉ 200.000 đồng/1m3, thì tại Quảng Ngãi lại tăng vọt đến 450.000, 500.000 đồng/1m3. Thậm chí ở huyện đảo Lý Sơn giá cát lên đến 600.000 đồng/1m3.

Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, tổng nhu cầu cát mỗi năm tại địa phương này là 1,74 triệu m3, nhưng nguồn cung sau đấu giá các mỏ khai thác chỉ đáp ứng 23%. Đây cũng là lý do cát tặc rộ lên.

Từ tháng 8.2023, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo tổ chức truy quét, đã xoá sổ hàng chục điểm khai thác cát trái phép trên sông Trà Khúc. Nhưng tình trạng chỉ tạm lắng được vài tháng, nay tái diễn.

Các địa phương lại dựng trụ bê tông kiên cố trên hàng chục đường mòn, lối mở dẫn ra sông Trà Khúc. Tháng 1.2024, huyện Sơn Tịnh đã chi 170 triệu đồng để dựng trụ bê tông.

Đường giao thông đâu chỉ dành riêng cho cát tặc. Chi tiền ngân sách để dựng trụ giữa đường có thể ngăn xe chở cát lậu, nhưng việc đi lại, hoạt động vận chuyển hợp pháp khác của dân thì sao? Ma trận trộm cắp, khai thác trái phép, chở lậu thì muôn hình vạn trạng. Ngăn đường bộ, cát tặc đi đường thủy. Cản đường chính, chúng có thể đi vòng, mở lối khác... Ngân sách nào đủ để dựng rừng bê tông hết dọc các dòng sông?

Trong khi các tỉnh thành đều hô hào chuyển đổi số, nhưng camera giám sát mỏ cát, các nút giao thông thì là không lắp? Nếu có thì cũng không hoạt động, không trích xuất được dữ liệu.

Việc các mỏ khai khoáng không lắp đặt trạm cân, camera giám sát mất dữ liệu, luôn hỏng, từng được các đoàn kiểm tra phát hiện ở Thanh Hóa, Kon Tum... và ngay Quảng Ngãi này.

Sự bất thường đó đã từng được nêu trên diễn đàn Quốc hội. Tại phiên chất vấn chiều 6.11.2023 liên quan đến chủ đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã nói thẳng là địa phương có vai trò rất lớn trong kiểm tra, giám sát. "Khoáng sản trên địa bàn, khai thác chở bằng ôtô. Nhưng sau khi các vụ án, vụ việc xảy ra, mới thấy có vấn đề liên quan đến cán bộ địa phương, thậm chí có hệ thống bảo vệ việc này" - ông Khánh nói.

“Bóng dáng” của cán bộ địa phương trong các vụ camera mất tín hiệu - theo cách nói của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã lộ diện sau vụ hàng loạt cán bộ ở ở An Giang bị khởi tố vì liên quan đến cát tặc cuối tháng 12.2023 và ở Thái Bình vào tháng 1.2024.

Cán bộ từ xã, huyện đến phó chủ tịch UBND tỉnh nói trên bị bắt, bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, buông lỏng quản lý hoặc đưa nhận hối lộ...

Các trụ bê tông ngăn đường ở Quảng Ngãi dù dùng ngân sách đầu tư, nhưng đương nhiên không có dữ liệu để kết nối, trích xuất. Song để cho cát tặc lộng hành, thị trường tăng giá mất kiểm soát, chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh không hiệu quả... thì rất khó nói là Quảng Ngãi đã quản lý tốt, chặt chẽ việc khai khoáng.

Nên nhớ ngoài các trụ bê tông vô tri, vô lý trên các đường mòn, lối mở thì luôn có rất nhiều "camera chạy bằng cơm" khắp trong nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn