MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Di sản Thiên nhiên Thế giới mới của Việt Nam gồm 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà). Ảnh: Anmol Bindra/Unsplash

Được công nhận di sản thế giới đã khó, bảo vệ và gìn giữ còn khó hơn

Hoàng Văn Minh LDO | 24/09/2023 13:30

Lần đầu tiên Việt Nam có một di sản liên vùng là vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận di sản thiên nhiên thế giới.

Như Lao Động đã thông tin, trong kỳ họp thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO tổ chức tại Riyadh, Saudi Arabia, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã tự hào gọi đây là một “chiến thắng”. Và chiến thắng lần này góp phần "nối dài thành tích" mà Hải Phòng đạt được. Bởi quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004.

Đây cũng là “nối dài thành tích” lần thứ 3 cho vịnh Hạ Long khi lần gần nhất vịnh này được UNESCO xướng tên di sản tự nhiên thế giới năm 2020 và trước đó là năm 2000.

Và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có một "di sản liên vùng” giữa hai tỉnh thành được UNESCO công nhận.

Việc vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận di sản thiên nhiên thế giới là một vinh dự to lớn, mở ra một cơ hội tuyệt vời về phát triển du lịch cho cả hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng.

Nhưng đây cũng là một thách thức không nhỏ trong việc làm sao vừa khai thác tối ưu nhất để phục vụ ngành công nghiệp không khói vừa bảo đảm được sự nguyên vẹn của di sản không bị xâm hại bởi bàn tay con người.

Tình trạng các di sản văn hoá và tự nhiên, thiên nhiên được UNESCO công nhận và chưa công nhận ở Việt Nam bị xâm hại thời gian qua khá phổ biến dưới nhiều hình thức bất chấp khuyến cáo và cảnh báo về việc thu hồi danh hiệu của UNESCO.

Gần nhất là việc du khách và người dân liên tục viết, vẽ bậy lên Kỳ Đài của Kinh thành Huế trước sự bất lực của đơn vị quản lý là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Mới nhất là việc đoàn khảo sát giẫm đạp lên thạch nhũ để chụp ảnh ở hang Sơn Nữ vừa được phát hiện trên địa bàn bản Đìu Đo (xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình) vào đầu tháng 9 gây xôn xao dư luận.

Theo ông Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh thì “đó là những tác động thô bạo”. Bởi các khối thạch nhũ, măng đá trong hang động - một kiệt tác được tạo thành từ tinh chất của đá và nước trong thời gian rất dài, có thể là hàng trăm triệu năm - là các thực thể rất mỏng manh.

Trở lại với vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Thực tế cho thấy được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới là rất khó, nhưng bảo vệ, gìn giữ và phát huy di sản sau khi được công nhận còn khó hơn.

"Chiến thắng”, “nối dài thành tích” của vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà thời điểm này còn là một lợi thể. Bởi chung quanh đã có rất nhiều bài học hay về thành công cũng như chưa tốt về bảo vệ và phát huy di sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn