MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Được hít thở không khí trong lành khó lắm thay!

LÊ THANH PHONG LDO | 13/07/2019 07:30
“Chúng tôi đã sống trong ô nhiễm nửa đời người rồi và không muốn đời con cháu phải chịu khổ, chỉ muốn thở không khí trong lành như bao người khác”, đó là phát biểu của bà Nguyễn Thị Thành tại buổi đối thoại người dân đề nghị chính quyền Đà Nẵng di dời bãi rác, không xây dựng nhà máy đốt rác phát điện ngày 6.7.

Một câu khác của bà Hồ Thị Hiệp còn đau hơn: “Tôi đang nằm viện nhưng cũng phải xin về để đến đây nêu ý kiến. Người dân không xin gạo mà xin một hơi thở cho con cháu. Không lẽ đời cha mẹ hưởng mùi, còn đời con cháu hưởng khói?”.

Là lãnh đạo địa phương, nghe dân nói như vậy, chắc ai cũng phải động lòng, cũng thấy trách nhiệm của mình đối với sức khỏe của người dân. Nhưng hành động như thế nào quả là không dễ. Bãi rác Khánh Sơn vẫn tồn tại, trêu người, thách thức.

Gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đều bùng nổ thông tin về dồn ứ, tồn đọng rác và khổ sở vì ô nhiễm môi trường do rác. Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Kiên Giang, TPHCM, nơi đâu cũng điên đầu vì rác. Đến khi bị rác đe dọa sức khỏe, con người ta mới tỉnh thức để hiểu rằng, dọn rác không hề là chuyện nhỏ.

Báo chí hôm qua đưa tin bãi rác TP. Sầm Sơn có 3 hố chôn lấp và chứa rác cao lên như núi. Độ cao từ mặt đường lên đỉnh của núi rác khoảng hơn 15m, tương đương ngôi nhà 4 - 5 tầng. Nếu để thêm một thời gian nữa, núi rác này có thể cạnh tranh với bãi rác Ghazipur ở thủ đô của Ấn Độ cao hơn 65m.

Người dân nơi bị ảnh hưởng của bãi rác Sầm Sơn kêu cứu lên chính quyền đã 10 năm. Một khoảng thời gian quá dài, đủ để thay đổi nhiều thứ, nhưng không thay đổi được một bãi rác, mà ngày càng tồi tệ hơn. Nước rỉ rác chảy ra sông suối, có ngày cá chết trắng sông. Con người sao chịu được khi sống trong môi trường ô nhiễm đó. Người nào có điều kiện thì đi nơi khác, ai không có khả năng thì chung sống với ô nhiễm. Lãnh đạo thành phố biển du lịch Sầm Sơn hãy làm gì đi, dân không đói khát cơm ăn áo mặc, mà đói khát một bầu không khí trong lành.

Không có quy hoạch khoa học từ đầu, không thấy được xử lý rác là việc tối quan trọng, là một trong những tiêu chí của phát triển bền vững, vì thế mới sinh ra những bãi rác khổng lồ vô phương cứu chữa như Khánh Sơn, Sầm Sơn và nhiều nơi khác.

Hãy khẩn cấp đưa ra các giải pháp cứu dân khỏi giặc rác. Đừng để cho dân cầu xin chính quyền được hít thở trong bầu không khí trong lành.

Dân kêu chính quyền, nhưng cũng tự xem lại hành vi, ý thức của chính mình về bảo vệ môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn