MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 5 năm thi công, tuyến đường 1,5 km, rộng 40m ở Long Biên vẫn ngổn ngang. Ảnh: Hữu Chánh

Đường 1,5 km vốn 1.200 tỉ thi công 5 năm chưa xong, chuyện lạ ở Long Biên

Lê Thanh Phong LDO | 10/12/2023 16:55

Tuyến đường 1,5 km, tổng vốn 1.200 tỉ đồng ở quận Long Biên (Hà Nội) sau 5 năm thi công vẫn chưa xong.

Tuyến đường 1,5 km nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2018, dự kiến hoàn thành sau hai năm.

1,5 km không mấy bước chân, vậy mà thi công tới 5 năm chưa xong - một kỷ lục xây dựng cầu đường đạt tầm quốc tế là đây chứ đâu.

Cứ tưởng tượng mỗi năm xây dựng chưa xong 300 m đường, đây là chuyện lạ có thật ngay giữa Thủ đô.

Con đường dài... 5 năm không chỉ là chuyện thi công chậm chạp, trễ hẹn, mà còn là hậu quả đổ xuống đầu người dân. Các hộ sống khu vực hai bên đường chịu cảnh nắng bụi, mưa bùn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đặc biệt là sức khỏe. Cứ hình dung 5 năm trời hít thở bụi bặm của con đường dang dở này, thì còn gì lá phổi? Hà Nội là thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới, những khu như con đường này góp phần cho ô nhiễm không hề nhỏ.

Trên nhiều đoạn của tuyến đường này, phóng viên Lao Động ghi nhận ngổn ngang máy móc, vật liệu xây dựng, gây mất an toàn. Các nhà thầu cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Đã có nhiều công trình xây dựng dang dở, không bao che cẩn thận, không có các biển báo, trẻ nhỏ vào chơi, người đi đường bị tai nạn.

Người dân còn có nhu cầu buôn bán làm ăn, đường làm không xong, bụi bặm, nguy hiểm, chắc chắn không hàng quán nào kinh doanh ổn định được. Cho nên, làm gì cũng phải nghĩ tới dân, từ sức khỏe đến kế sinh nhai, miếng cơm manh áo đời thường.

Theo UBND phường Ngọc Lâm, hiện còn khoảng 10 hộ chưa đồng ý giao đất, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nhưng ngay cả những đoạn đã giải tỏa, tiến độ thi công vẫn ì ạch.

10 hộ chưa thỏa thuận được cũng cho thấy công tác thương lượng với người dân chưa tốt. Nói để dân hiểu, hợp tác, đồng thuận cũng là kỹ năng, năng lực và trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương.

Đường dài... 5 năm, sẽ dẫn đến hậu quả khác, đó là những công đoạn đã làm rồi bị phơi nắng mưa, hư hại, về sau phải tốn tiền làm lại. Công trình kéo dài dẫn đến đội vốn, tốn kém thêm tiền của.

Chính quyền địa phương phải có giải pháp dứt điểm công trình này, để phục vụ người dân đi lại, đừng kéo dài thêm nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn