MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự kiến tuyến đường đi bộ bên sông Tô Lịch sẽ được cải tạo thành làn đường dành cho xe đạp đi hai chiều rộng 3m, 1m còn lại dành cho người đi bộ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đường dành cho xe đạp mà mất an toàn, đầy rác thải, nắng và bụi thì ai đi?

Lê Thanh Phong LDO | 04/12/2023 20:16

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội vừa đề xuất tổ chức hai tuyến đường dành cho xe đạp ở dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình - đường Hoàng Minh Thảo.

Đây là thông tin được người dân Thủ đô quan tâm, nếu có được những con đường dành cho xe đạp, sẽ có nhiều người lựa chọn để đi lại.

Không phải người dân không thích đi xe đạp, mà đường dành cho xe đạp không có. Đi chung trên đường hỗn hợp đủ các loại xe, rất mất an toàn, nên cho dù có muốn đi xe đạp cũng ngại.

Các nước văn minh, lấy tiêu chí sống xanh, thân thiện với môi trường làm giá trị, cho nên họ thích lựa chọn đi lại bằng xe đạp trong nội đô, chỉ sử dụng ôtô khi đi xa.

Còn nhớ sáng 2.11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đạp xe quanh phố phường Hà Nội, khơi nguồn cảm hứng cho cộng đồng, gửi thông điệp hãy chọn xe đạp làm phương tiện đi lại, để góp phần bảo vệ môi trường.

Đề xuất trên của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội là hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây cũng là một sáng kiến hay, nhưng cần thực hiện đảm bảo các tiêu chí an toàn, xanh, sạch, đẹp.

Các tuyến đường này còn nhiều rác thải, vứt bừa bãi, hôi hám. Không ai muốn đi bộ hay xe đạp trên con đường dơ bẩn như vậy. Phải dọn rác cho sạch, tạo nên một không gian thân thiện, thu hút người dân lựa chọn để đi lại.

Đi bộ hay xe đạp cần có cây xanh bóng mát, mùa hè nắng gay gắt càng cần cây tán rộng, vừa che nắng vừa tăng lượng oxy trong không khí. Hãy dành quỹ đất cho trồng cây, lựa chọn cây phù hợp, có hiệu quả.

Hà Nội là thành phố ô nhiễm vì bụi bặm, ngồi trong ôtô tránh được bụi, nhưng người đi xe đạp, xe máy, đi bộ không thể. Cho nên, khi làm các tuyến đường dành cho xe đạp, cần phải làm sạch thường xuyên để hạn chế tối đa bụi bẩn.

Làm được những việc trên, chắc chắn sẽ có nhiều người đi xe đạp trên các tuyến đường này.

Khi mô hình đường dành cho xe đạp đầu tiên có hiệu quả, Hà Nội cần khai thác thêm nhiều tuyến đường khác. Dần dần, người dân sẽ có thói quen đi lại bằng xe đạp, đó cũng là cách giảm áp lực cho giao thông đô thị đang quá tải.

Đọc báo, xem truyền hình thấy các nước văn minh đi xe đạp, chúng ta khen họ sống lành mạnh, thân thiện với môi trường, nhưng lại không làm được như họ.

Khoan hãy trách dân tại sao không lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi lại, mà hãy xem chính quyền đã tạo ra không gian chất lượng dành cho xe đạp hay chưa?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn