MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Đường dây nóng của Chủ tịch Bạc Liêu không "nguội", nhưng chuyển cho văn phòng

Lê Thanh Phong LDO | 23/08/2023 20:16

Sau khi công bố số điện thoại, từ chiều ngày 21.8 đến chiều ngày 22.8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã tiếp nhận gần 250 cuộc gọi và tin nhắn của các tổ chức, cá nhân.

Ông Phạm Văn Thiều nói: "Do có quá nhiều cuộc gọi nên tôi không thể nghe và trực tiếp giải quyết được tất cả. Trong vai trò người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu, tôi phải xử lý, điều hành rất nhiều công việc trong ngày. Vì vậy, thời gian tới, số điện thoại đường dây nóng này được giao lại cho đơn vị tham mưu, để phát huy hiệu quả của số điện thoại đường dây nóng".

Chuyện này là đương nhiên, đúng ra ông Phạm Văn Thiều phải thấy điều này từ trước. Ông là chủ tịch của một tỉnh, trăm công nghìn việc, ông nghe điện thoại đường dây nóng và tin nhắn để giải quyết vụ việc của dân thì lấy đâu ra thời giờ để giải quyết, xử lý hằng ngày.

Ví dụ như ông Chủ tịch phải dự nhiều cuộc họp, chẳng lẽ khi đang họp lại nghe điện thoại đường dây nóng, còn không nghe thì dân sẽ bảo ông làm "màu", nói nhưng không giữ lời.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu dự kiến sẽ bàn giao số điện thoại đường dây nóng cho bộ phận văn phòng tiếp nhận. Và ông Phạm Văn Thiều cam đoan rằng đường dây nóng không thể "nguội" được.

Đường dây nóng giao cho bộ phận văn phòng tiếp nhận là hợp lý, nhưng như vậy thì đừng ồn ào chuyện Chủ tịch tỉnh công bố đường dây nóng, vì nó đã thuộc về văn phòng của tỉnh, là một bộ phận tiếp nhận thông tin từ phía người dân. Hay nói cách khác, đây là một hình thức chính quyền tiếp dân qua điện thoại.

Ông Chủ tịch không còn trực tiếp nghe đường dây nóng mà chuyển cho bộ phận nào cũng được, điều quan trọng nhất là giải quyết. Nếu chỉ nghe cho qua, ghi ghi chép chép rồi bỏ ngăn kéo thì chẳng ăn thua gì.

Muốn chứng minh rằng lập ra đường dây nóng để lắng nghe và giải quyết những vướng mắc từ phản ánh của người dân, thì ông Chủ tịch Bạc Liêu phải có thông tin phản hồi hoạt động của đường dây này.

Ví như hằng tháng, ông Phạm Văn Thiều phải có thông báo công khai, trong tháng qua, đường dây nóng đã tiếp nhận bao nhiêu cuộc gọi và tin nhắn, đã xử lý, giải quyết được bao nhiêu vụ việc. Cụ thể là những vụ việc gì, người dân được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gì.

Làm được như vậy dân mới tin, tin mới gọi. Nếu bày ra làm cảnh, hình thức thì dăm bữa nửa tháng, đường dây nóng sẽ "nguội" lạnh vì dân chẳng ai buồn gọi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn