MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Đường dây ổ rợ”, “sân trước vườn sau”

Đào Tuấn LDO | 19/10/2019 07:00
Năm ngoái, Thủ tướng từng nói về tình trạng “Không những 1 sân trước 4, 5 sân sau mà có ông 14 -15 cái sân sau. Đừng nói Thủ tướng không biết”. Năm nay, Thủ tướng vẫn thẳng thắn về “bệnh trạng” này với “sân trước sân sau”, thậm chí là cả “vườn sau”.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra với tốc độ “rất sốt ruột”. Và căn nguyên của nó chủ yếu là từ những trầm kha hết sức phổ biến từ phía các doanh nghiệp nhà nước.

Đó là tình trạng “quyền anh, quyền tôi, chưa vì đại cục của đất nước. Người tài vẫn ít vào doanh nghiệp nhà nước”.

Đó là ““Bổn cũ chép lại. Chậm chạp, lạc hậu còn rất phổ biến trong doanh nghiệp nhà nước”.

Đó là tâm lý mất ghế “sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn; tư tưởng yên vị kìm hãm tiến độ đổi mới”.

Và nan giải nhất vẫn là tình trạng tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước “Sân trước sân sau, thậm chí vườn sau là có”.

Ngoặc kép là những đánh giá, nhìn nhận của Thủ tướng tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước hôm 16.10.

Nhớ có lần, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, ở đâu có đặc quyền, địa tô lớn và không kiểm soát được địa tô thì đều có vấn đề lợi ích nhóm, “sân trước, sân sau”, mà bản chất là “tạo ra những giao dịch về hình thức là thị trường nhưng là để tuồn những lợi ích đáng lẽ là của nơi này sang nơi khác”.

Phải nói tình trạng sân trước sân sau đã và đang làm méo mó, biến dạng các chính sách phát triển, vô hiệu hóa các quy chế kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp và triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế thị trường.

Hãy nhớ lại trường hợp bà Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai. Công khai đến độ “Vợ ký cho công ty của chồng được làm các dự án”; ký cả trong những lĩnh vực không phụ trách để công ty của chồng kinh doanh tất tật, từ bến tàu, mặt bằng, vật liệu xây dựng...

Người đứng đầu Chính phủ không phải không biết và không phải không cương quyết.

Hôm 16.10, Thủ tướng chân thành rằng: “Đồng chí nghèo thì nghèo rồi, đủ sống thì đủ sống rồi nhưng đừng đường dây ổ rợ tổ chức tham nhũng”. Ông cũng yêu cầu: “Từ nay, không được có khoảng trống về giám đốc các tổng công ty, tập đoàn. Đừng để sắp về hưu rồi, vẫn ôm mà chưa tìm được người thay thế”.

Và quan trọng nhất, là “trao quyền tự chủ cho anh em, tin anh em, nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực".

Đúng. Bên cạnh sự cương quyết của người đứng đầu, cần phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh. Phải có một cơ chế thanh tra, kiểm tra đủ liêm chính. Và phải có cả sự tham gia của người dân, của chính các doanh nghiệp nữa thì chúng ta mới dẹp được căn bệnh này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn