MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường sắt Nhổn- ga Hà Nội dù tốc độ thiết kế 80km/h nhưng sẽ khai thác thương mại 35km/h đặt ra một câu hỏi lớn về sự lãng phí

Đường sắt đô thị: Một câu chuyện rất dài

Anh Đào LDO | 10/09/2019 13:00

Đường sắt đô thị số 1, sau 10 năm vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng và tổng mức đầu tư, từ 9.197 tỉ đã kịp đội lên 81.537 tỉ. Gấp tới 9 lần. Đường sắt Cát Linh- Hà Đông, lùi tiến độ 8 lần. Xong 99% nhưng còn 1% cuối thì lại chưa biết đến bao giờ. Quả là một câu chuyện rất dài. Và độ dài tính bằng nhiều chục năm, nhiều chục ngàn tỉ.

Đường sắt đô thị số 1 được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát - Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến là 28,7 km, tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng. Theo dự kiến, sẽ xong vào năn 2017.

Nhưng bây giờ đã là tháng 9.2019, khâu giải phóng mặt bằng thậm chí còn chưa xong trong khi tổng mức đầu tư toàn tuyến ước đã kịp tăng lên 81.537 tỷ đồng, gấp 9 lần so với kế hoạch ban đầu.

Có mấy điều có thể rút ra.

Nó sẽ phá kỷ lục 10 năm của Dự án Cát Linh- Hà Đông. Nó cũng sẽ lại chưa biết khi nào mới xong. Và số tiền, không ai biết sẽ là 81.537 tỉ hay 100.000 tỉ hay hơn nữa.

Đường sắt đô thị quả là một câu chuyện rất dài.

Dài từ tiến độ: Lùi một dự án, lùi 2 dự án, và dự án nào rồi cũng lùi. Lùi 1 năm, lùi 2 năm, và giờ lùi tính bằng thập kỷ.

Dài ở dãy số: 9 ngàn tỉ so với 81 ngàn tỉ có nghĩa mất thêm 8 dự án tương đương. Dài ở việc tổng vốn tăng 10%, 100%, 400%, 900% và rồi sẽ đến lúc vượt quá 1.000%.

Dài, trong câu chuyện trách nhiệm. Cũng chỉ rút sợi dây kinh nghiệm là cùng. Và rút hoài rút mãi, rút từ tuyến số 1, rút sang Cát Linh- Hà Đông, rút đến tuyến Nhổn- Ga Hà Nội nhưng hóa ra, chẳng có kinh nghiệm nào được rút ra.

Dài, trong cách giải tỏa bức bối của dân chúng, giải tỏa thắc mắc của những đại biểu dân cử.

ĐBQH Lê Công Nhường từng đặt câu hỏi: "Vì sao dự án (Nhổn- Ga Hà Nội) thiết kế 80 km/giờ nhưng khai thác thương mại chỉ đặt tốc độ 35 km/giờ?". Và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội giải thích tàu Nhổn - ga Hà Nội phải dừng đón trả khách liên tục, nếu tăng tốc lên quá cao (tốc độ thiết kế 80 km/h) sẽ tốn chi phí vận hành khi “phóng nhanh phanh gấp”.

Một câu chuyện dài.

Và dài trong cả tiếng thở dài của người dân không chỉ Thủ đô.

Không biết nhìn cảnh Hà Nội đến 9h sáng vẫn ken dày, ùn tắc, nêm cứng mọi tuyến đường, dân tình nhúc nhích như trong hộp cá, không biết những người có trách nhiệm với sự chậm trễ tính bằng thập kỷ, tính bằng nhiều chục ngàn tỉ đồng có áy náy, có bị cắn rứt lương tâm không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn