MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sơ đồ tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Ảnh: Viện Khoa học công nghệ Phương Nam

Đường sắt TPHCM - Cần Thơ sẽ tăng sức cho kinh tế ĐBSCL

Lê Thanh Phong LDO | 18/01/2021 16:20

Ngày 4.1, thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Cùng ngày, dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công. Ngày 12.1, dự án cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với mức đầu tư hơn 6.300 tỉ đồng chính thức thông xe.Tiếp theo là thông tin về dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2022.

Vùng đất ĐBSCL cần một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và phục vụ đời sống của người dân được tốt hơn.

Trong những năm qua, nhiều chiếc cầu nối các con sông thay thế cho những chuyến phà, người dân đi lại thuận lợi, nhanh chóng. Các tuyến cao tốc được xây dựng, góp thêm sinh khí cho vùng châu thổ này.

Và đến nay, dự án đường sắt nối TPHCM - Cần Thơ lại được đặt ra. Hãy hình dung, nếu có tuyến đường sắt này thì hoạt động giao thông vận tải của ĐBSCL sẽ chuyển biến tích cực. Áp lực đường bộ giảm, vì đã có đường sắt gánh vác, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa.

Còn gì sung sướng hơn khi đi trên con tàu tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách, từ TPHCM đến Cần Thơ chỉ mất 45 phút.

Nhưng vấn đề đặt ra là khi nào mới có được tuyến đường sắt này?

Dự án đường phê duyệt quy hoạch lần đầu từ năm 2013, đến nay có sự thay đổi so với ban đầu, tính ra cũng đã mất 7 năm.

Bao nhiêu năm nữa mới khởi công và bao nhiêu năm nữa mới hoàn thành, chưa có câu trả lời. Hãy có câu trả lời sớm, bởi vì không chỉ người dân của TPHCM và ĐBSCL, mà cả nước quan tâm, mơ ước có tuyến đường sắt này càng sớm càng tốt.

Nhưng không chỉ có con đường sắt, mà phải đặt được những mục tiêu của dự án, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 10 tỉ USD bỏ ra phải đem lại lợi ích, khi đó mới có nhà đầu tư tham gia.

Nếu như tuyến đường sắt với những đoàn tàu vận hành có chất lượng dịch vụ như các đoàn tàu chạy Bắc - Nam hiện nay, thì không thể nói đến thành công.

Chúng ta có kinh nghiệm rút ra từ những dự án phải trả giá là metro Bến Thành - Suối Tiên của TPHCM, đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội và nhiều dự án giao thông khác, chắc cũng đủ để không tiếp tục phạm sai lầm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn