MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

EVFTA sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam

Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội LDO | 13/02/2020 12:00

Việc EP phê chuẩn EVFTA có ý nghĩa lớn, qua đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của các bên. Đối với Việt Nam, việc thực thi hiệu quả EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, tiếp theo đó là một số mặt hàng xuất khẩu khác như dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp Việt Nam có cơ hội thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Để tranh thủ tốt cơ hội do Hiệp định mang lại, Chính phủ phải chỉ đạo trọng tâm một số nhóm nhiệm vụ sau:

Một là, thông tin, truyền thông mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, hiểu đầy đủ về các nội dung của Hiệp định này, phải tạo ra được cơ chế góp phần xây dựng năng lực cho doanh nghiệp có thể bắt kịp với những yêu cầu của Hiệp định.

Hai là, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các cam kết của Việt Nam tại EVFTA và các quy định về môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ… phù hợp với chuẩn mực quốc tế và EU.

Ba là, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thực hiện có hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận thị trường EU.

Với kinh tế Việt Nam, EVFTA được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, nhất là các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu và tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP.

Trong bối cảnh hiện nay với các tranh chấp thương mại cũng như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời cũng bộc lộ rõ hơn các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế như vấn đề phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường; việc nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu đầu vào, nhất là cho một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; quy tắc xuất xứ…

Do vậy, việc triển khai hiệu quả EVFTA cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của EU và nâng cao năng lực quản trị, điều hành của doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với khả năng tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta tại thị trường EU, cũng như các thị trường xuất khẩu khác, tránh quá lệ thuộc vào một vài đối tác thương mại lớn. Đồng thời, quan tâm quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng lợi nhiều hơn khi tham gia, chủ động phát triển nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu, tránh bị lợi dụng làm trạm trung chuyển hàng hóa đi các nước khác.

Thông qua việc thực hiện EVFTA và IPA, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn, giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, từ đó Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của mình trong khu vực ASEAN, đóng góp vào quá trình xây dựng ASEAN phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn