MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

EVN và "quả bom nổ chậm" 3.000 tỉ đồng

Anh Đào LDO | 19/12/2019 12:15

3.000 tỉ, chính xác là 3.090,9 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá đang “treo ở đó”, đang “chưa biết tính vào đâu” lại được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mang ra trong một buổi họp báo. Không có gì phải nghi ngờ, nó sẽ được hạch toán vào giá điện.

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam nói: Hiện EVN chưa có nguồn thanh toán cho khoản chênh lệch tỉ giá này và đang phải cân đối các chi phí, đang chờ phương án giá điện năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì mới có nguồn để trả khoản 3.090,9 tỉ đồng".

Nói 3.000 tỉ, hay “chênh lệch tỉ giá” như một quả bom nổ chậm không sai chút nào, bởi dù ngay 2020 hay 2021, thì rút cục nó cũng sẽ lại được hạch toán vào giá thành điện, “hạch toán” vào túi tiền người dân, doanh nghiệp... mà thôi.

Năm 2012, “quả bom nổ chậm”, khi đó là 26.000 tỉ, được coi là lý do chính để tăng giá điện. Khi đó, EVN đứng trước tình thế ngân hàng không cho vay vì “tỷ lệ nợ đã lớn hơn 3 lần rồi”- lời Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri. Và khi đó “100% vốn đối ứng dự án là vốn vay, trong số này có 15% vay ngân hàng thương mại trong nước, 85% nước ngoài”.

Và giờ, sau 7 năm, câu chuyện vẫn không suy chuyển: Mọi lãi suất vay vốn tính vào giá điện. Nếu vốn vay trong nước bị khống chế tỷ lệ với lãi suất cao phải vay từ nước ngoài có lãi thấp hơn thì khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ lại do dân chịu, không trước thì sau.

EVN đúng là loại doanh nghiệp “vừa lãi vừa lỗ”, sinh ra từ cơ chế “thị trường một nửa”. Lãi thì hưởng, thì đòi tự thưởng ngàn tỉ, lỗ hạch toán giá điện cho dân chịu.

Chính cách thức để EVN độc quyền ấy đã tạo ra một điệp khúc "chỉ biết tăng giá, tăng giá, và tăng giá. Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa”- như lời ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương.

Trên Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định: Vay ngoại tệ sẽ trả ngoại tệ thường doanh nghiệp chịu khoản lỗ, nhưng họ hoàn toàn lường trước được biến động tỷ giá bằng công cụ mà ngân hàng cung cấp khi mua ngoại tệ. Trong trường hợp phải chịu khoản bù chênh lệch tỷ giá thì đổi lại, doanh nghiệp đã được hưởng lãi suất thấp hơn vay tiền đồng nên thiệt hại thật ra không quá lớn.

Điều đó có vẻ đúng với hầu hết doanh nghiệp, trừ EVN.

Hôm qua, cũng có một con số thế này. Với mỗi kWh điện, EVN đang chỉ lãi 4 đồng. Một tỉ suất lợi nhuận rất thấp.

Đáng lẽ ra, nó phải được đưa ra như một ví dụ cho sự thiếu hiệu quả của một tập đoàn với nguồn lực khổng lồ, đang nắm vị thế độc quyền, chứ không phải để kêu than cho tình hình tài chính của EVN.

Ngành điện cần vay mượn, cần đầu tư nhưng không có cái lý nào bắt người dân mãi gánh mọi rủi ro, mọi bất lợi. “Quả bom tỉ giá” chính là một ví dụ. Không có lý nào bắt dân phải chịu cả những khoản chẳng liên quan gì đến điện, túm chung trong một cái gói “chi phí khác” chẳng biết đâu mà lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn