MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một ví dụ về Flex trên mạng xã hội. Ảnh: Chung Do

Flex "đến hơi thở cuối cùng" và những hệ luỵ

Hoàng Văn Minh LDO | 25/07/2023 14:53

Flex đang là một trào lưu mới được giới trẻ hưởng ứng và “làm mưa làm gió” trên mạng. Thậm chí có trang “Flex đến hơi thở cuối cùng” hiện có hơn 1,3 triệu thành viên.

Flex là một trào lưu mới ở Việt Nam, có nguồn gốc từ văn hoá hiphop của Mỹ. Flex là biểu thị cho những hành động khoe khoang vật chất, thành tựu như tiền bạc, xe sang, đồ hiệu…

Bắt đầu là nhu cầu chứng minh sự thành công và giàu có với người khác của cộng đồng người da màu di dân đến vùng ngoại ô New York khi họ phân biệt giai cấp và chủng tộc sâu sắc.

Họ chống lại điều này bằng những bản rap nhuốm màu vật chất. Để thể hiện sự giàu có, họ sẽ đeo những món đồ đắt tiền như đồ trang sức bằng vàng, những chiếc xe hơi đắt tiền...

Flex được hiểu như là một “từ lóng”, bởi nghĩa gốc của nó là “uốn hoặc bẻ cong”, đi cùng với thành ngữ "flex your muscle" với nghĩa bóng dùng năng lực bản thân để “đe doạ” đối phương.

Người được cho là đã phổ biến từ lóng này là rapper- diễn viên nổi tiếng người Mỹ Ice Cube, bắt đầu từ năm 1992 của thế kỷ trước.

Thật ra thì khoe khoang là một đặc tính phổ quát của con người khi ai cũng có nhu cầu muốn mình đặc biệt, được công nhận, ca ngợi, tán dương…

Và cha ông mình, thậm chí còn nâng lên thành triết lý sống kiểu “tốt khoe xấu che”. Vậy nên, trào lưu Flex như hiện nay chỉ là những gia vị cộng thêm.

Trào lưu Flex đến, rồi cũng sẽ ra đi kiểu như rất nhiều trào lưu phim Hàn, trào lưu phim chưởng Hồng Kông, trào lưu phim bộ của Trung Quốc…

Tuy vậy, Flex và rất nhiều trào lưu trước đó, cho thấy số đông người Việt đã và đang tiếp thu, tiếp nhận văn hoá bên ngoài theo một cách khá dễ dãi.

Tất nhiên, sự dễ dãi này để lại không ít hệ luỵ. Ví như trào lưu Flex, nếu vừa phải sẽ mang đến những xúc cảm lành mạnh.

Nhưng nếu quá đà thành “thú khoe khoang”, khoe "đến hơi thở cuối cùng" sẽ thành ra cổ xuý cho một thế hệ, trước mắt là Gen-Z chỉ biết quan tâm tới lối sống nặng về chủ nghĩa vật chất; đồng thời vô tình khơi gợi những cảm xúc tự ti, ghen tị của cộng đồng.

Đó là chưa nói đến việc Flex một cách thô bạo, quá đà, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến việc thiếu, mất dần “tự trọng” về văn hoá, phụ thuộc, lệ thuộc quá nhiều vào các giá trị văn hoá đến từ phương Tây.

Nó còn là biểu hiện của một nền văn hóa không giữ được cốt cách, thiếu sức khoẻ cũng như để đề kháng chống lại sự ô nhiễm hay "xâm lăng văn hóa" một cách vô thức hoặc có chủ định từ bên ngoài.

Như trào lưu phim Hàn một thời khiến giới trẻ từ thành thị cho đến nông thôn ăn theo kiểu Hàn Quốc, mặc theo thời trang Hàn Quốc, nghe âm nhạc của Hàn Quốc và yêu cũng lãng mạn đắm say kiểu phim Hàn Quốc…

Thậm chí nhiều, rất nhiều ngôi làng ở các vùng quê Việt Nam đã tạo ra những tình huống dở khóc dở cười khi có những người thi nhau đặt tên con theo kiểu các ngôi sao Hàn Quốc.

Rồi những trào lưu phim Trung Quốc dồn dập đến, đi theo kiểu sóng sau xô sóng trước khiến nhiều người Việt bây giờ thuộc "làu làu" sử Trung Quốc.

Tiếp nhận, ảnh hưởng, thực hành theo các trào lưu văn hoá là chuyện tất yếu, bình thường của hội nhập. Nhưng sẽ là điều bất bình thường nếu lần nào cũng là lưu giữ "rác" ở lại sau mỗi trào lưu văn hoá đi qua do chúng ta thiếu bản sắc và tự trọng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn