MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói về 600 văn bản tại hội nghị ngày 11.5. Ảnh: Minh Quân

Gần 600 văn bản qua lại và câu hỏi chưa được trả lời

Hoàng Lâm LDO | 12/05/2023 13:41
Nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi lên nhưng văn bản trả lời của bộ lại chung chung “không biết sao mà làm”.

Đây là câu chuyện rất thật được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ khi nhắc đến việc năm 2022, TPHCM gửi, hỏi bộ 584 văn bản và bộ đã trả lời 604 văn bản. Thế nhưng thực tế là: "Trong hơn 600 văn bản trả lời đó, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm" - ông Mãi nói tại Hội nghị công bố đánh giá năng lực cấp sở, ban ngành, địa phương tại TP Hồ Chí Minh sáng 11.5.

Thế nhưng, cũng cần nhắc lại tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội hôm 9.5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chính TP Hồ Chí Minh mới “né tránh, đá bóng”; rằng hầu hết những nội dung trong gần 600 văn bản qua lại giữa TP Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều là các nội dung thuộc thẩm quyền của TP.Hồ Chí Minh. Ông Dũng lấy ví dụ, mỗi năm của giai đoạn 2018-2021, TPHCM cấp trung bình khoảng 70 dự án bất động sản nhưng trong 2 năm qua, TP Hồ Chí Minh cấp có 8 dự án, còn lại hầu như "đứng bóng". “Đấy là vấn đề lớn nhất, cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy, lẩn tránh không làm" - ông Dũng nói.

Rõ ràng là có vấn đề ở đây. Địa phương gặp những vấn đề trong thực tiễn mà các quy định của pháp luật chưa rõ thì hỏi lên bộ, bộ lại nói thẩm quyền của địa phương thì tự quyết. Bên nào cũng cho rằng, phía bên kia đùn đẩy, đá bóng trách nhiệm, kết quả là việc đứng im, hiệu quả, hiệu lực trong điều hành thấp. 

Cái lòng vòng giữa TP Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy chuyện sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm không chỉ có ở một bộ phận cán bộ cá nhân riêng lẻ mà còn ở cấp địa phương và cấp bộ.

Cần phải có trọng tài để phân định ai đúng, ai sai trong trường hợp này. Nếu không, việc thực thi công vụ chỉ loanh quanh chuyền bóng, không chịu “ghi bàn”. Đây cũng là một biểu hiệu tiêu cực.

Hôm 10.5, tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cũng đã yêu cầu: “Rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Gần 600 văn bản qua lại nhưng chưa trả lời được câu hỏi: “Bộ và địa phương còn né tránh, đùn đẩy thì sao có cán bộ dám nghĩ, dám làm?”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn