MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Robot Trí Nhân được tích hợp trí tuệ nhân tạo, có khả năng giao tiếp với con người, biết làm toán và đọc thơ, "Make in Việt Nam" là đây.

Gần 70 triệu dân dùng Internet- lợi thế để “Make in Việt Nam” thành công

Lê Thanh Phong LDO | 23/12/2020 09:18

Nếu như còn đưa ra lợi thế lao động Việt Nam giá rẻ để thu hút đầu tư thì mãi mãi chúng ta vẫn nghèo. Chỉ có cách làm giàu duy nhất là thay đổi tư duy gia công kiếm cơm qua ngày, lấy mồ hôi đổi cơm áo, mà khai thác trí tuệ người Việt để hành động "Make in Việt Nam".

Từ ngày Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa slogan "Make in Việt Nam" đến nay, sân chơi công nghệ trong nước sôi động đến không ngờ. Cụ thể, năm 2020, năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị 01 của TTg CP về "Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời.

Khoan hãy nói đến tỉ lệ thành công trong số doanh nghiệp này vì cần có thời gian, nhưng sự dấn thân của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cho thấy khát vọng và tiềm lực của Việt Nam.

Chúng ta từng tự hào người Việt Nam thông minh, vậy thì phải chứng minh điều đó bằng thời đại số.

Chúng ta từng tự hào người Việt Nam cần cù lao động, thì phải chứng minh bằng kỷ nguyên đại số.

Theo định nghĩa của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, "Make in Việt Nam" là thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Muốn thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam thì phải thông minh, muốn làm ra tại Việt Nam thì phải cần cù. Khi và chỉ khi đạt được hai giá trị ấy đất nước mới hùng cường, thịnh vượng. Không còn cách nào khác.

Năm qua, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, chính là lúc Việt Nam huy động "trí tuệ số" để phòng chống. Các sản phẩm Ncovi, Bluezone, CoMeet đã tham gia và phát huy hiệu quả ngoài sự mong đợi. Và còn nữa, 4 loại vaccine ngừa COVID-19 "Make in Việt Nam" đang đứng trong danh sách 150 ứng viên trên toàn thế giới.

Xây dựng một quốc gia số là công việc của cả xã hội và phải có các lực lượng tiên phong. Cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số, nhiều Start up công nghệ ra đời, hệ thống cơ quan nhà nước chuyển đổi số để xây dựng chính quyền điện tử chất lượng cao.

Và để tương tác được trong "hệ sinh thái số" thì cần phải có lực lượng sản xuất và đối tác. Người lao động trong các tập đoàn, doanh nghiệp có trình độ cao là lực lượng sản xuất, người lao động trong hệ thống chính quyền, đoàn viên công đoàn, trong các nhà máy là lực lượng tương tác để công cuộc số hóa sớm đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả.

Muốn hai lực lượng trên gặp nhau, cùng hỗ trợ nhau phát triển, thì phải đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị đầu vào và đào tạo ứng dụng. Công nhân lao động, đoàn viên công đoàn có mặt bằng tri thức cao thì chương trình chuyển đổi số quốc gia sớm đi đến thành công.

68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ Internet vào tháng 1 năm 2020 (70% trên tổng dân số), lượng kết nối di động đã chiếm khoảng 150% trên tổng dân số, và con số này tăng lên nhanh chóng trong vài năm tới. Đây là lợi thế để các bộ óc "Make in Việt Nam" khai thác.

Sản phẩm công nghệ sẽ là phần kết thúc của câu chuyện mà chúng ta muốn kể. Hôm nay, chỉ mới bắt đầu câu chuyện "Make in Việt Nam" mà thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn