MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bằng khen “Bác sĩ xuất sắc” giả. Ảnh: L.HÀ

Giả bác sĩ, đặt thuốc lang băm bán cho bệnh nhân là ngang với giết người

Lê Thanh Phong LDO | 11/12/2023 16:01

26 người lập băng nhóm giả bác sĩ của các bệnh viện quân đội để bán thuốc cho 8.000 người, chiếm đoạt hơn 30 tỉ đồng.

Ngày 9.12, Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã khởi tố bị can trong đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả.

Cầm đầu đường dây trên là Phạm Viết Trung, SN 1995, nghề nghiệp là nhân viên chuyên bán hàng đa cấp. Tập hợp nhóm cộng sự giả bác sĩ để bán thuốc và thực phẩm chức năng. Nhóm này gom góp 100 triệu đồng để "khởi nghiệp" lừa đảo.

Toàn là dân lừa đảo, như tự xưng là bác sĩ, tiến sĩ, tướng quân đội phụ trách bệnh viện quân y, quảng cáo thuốc qua các kênh trên mạng, tư vấn cho các loại bệnh nhân, phán như thánh, thế mà khối người tin sái cổ.

"Khởi nghiệp" lừa đảo quá trúng, vốn 100 triệu đồng, từ tháng 5.2022 đến tháng 10.2023, các bác sĩ giả đã bán 12.817 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở 63/63 tỉnh, thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỉ đồng.

Thuốc mà các bác sĩ giả bán đương nhiên là giả. Đó là sản phẩm đặt hàng các thầy lang, lang băm, tự xưng là gia truyền. Ai tin được các loại "thuốc Nam", "thuốc Bắc" qua các bác sĩ giả này. Ai kiểm chứng, cơ quan nào kiểm nghiệm, rặt toàn thứ lừa đảo. Vậy mà, có loại thuốc băng nhóm này đặt hàng sản xuất có giá 25.000 đồng, được bán với giá 2 triệu đồng.

Vụ phát hiện này gây hoang mang trong dư luận, nhất là đối với những nạn nhân bị băng nhóm này lừa, cụ thể là hơn 8.000 trường hợp. Bác sĩ giả, bán thuốc giả để chữa bệnh, không đơn giản chỉ là chuyện mất tiền, tiền mất tật mang, mà có thể gây ra tử vong, cho nên hành vi này chẳng khác gì giết người.

Nghe lời tư vấn của những kẻ chẳng có chuyên môn gì ngoài lừa đảo, uống thuốc của lang băm. Thuốc giả vào cơ thể chẳng khác gì uống độc tố, nếu không tử vong thì cũng tích độc, lâu ngày sinh ra những bệnh tật nguy hiểm.

Cho nên, phải điều tra, làm rõ hành vi của tổ chức tội phạm này, không loại trừ khả năng cấu kết của các lang băm. Phải tính tới khả năng hoàn trả tiền, bồi thường cho các nạn nhân nếu có đủ chứng cứ, căn cứ.

Tuy nhiên, cũng từ vụ này, thêm một lần nhắc nhớ cộng đồng hết sức cảnh giác với các trò lừa đảo trên các kênh truyền thông, mạng xã hội. Không thể cả tin vào các hình ảnh lắp ghép, danh xưng giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, giám đốc bệnh viện một cách dễ dàng như vậy.

Mạng sống, sức khỏe con người sao có thể hồn nhiên tin tưởng giao cho một ai đó trên mạng ảo được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn