MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rất rất nhiều hộ dân sốc nặng khi giá điện tăng gấp đôi sau khi điện tăng giá

Giá điện, sốc, choáng!

Anh Đào LDO | 26/04/2019 17:39

“Sốc”, “choáng váng” là cảm giác của rất nhiều người khi cầm trên tay hóa đơn tiền điện tháng 4, tháng đầu tiên sau khi giá điện tăng. Và hóa ra, việc giá điện tăng 8,36% không hề “không đáng kể” như trấn an.

Hãy bắt đầu bằng tính toán tác động việc tăng giá bán lẻ điện của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực:

Tiền điện trả thêm mỗi tháng của khách hàng sinh hoạt dùng dưới 50 kWh là 7.000đ/tháng. Từ 50-100 kWh sẽ phải trả thêm 14.000 đồng; tới 200 kWh trả thêm 31.600 đồng; và 400 kWh trả thêm 77.200 đồng...

Với khoảng 35,6% khách hàng sử dụng điện ở mức cực khiêm tốn  dưới 100kWh/tháng, có lẽ số tiền tăng thêm “vài chục ngàn” như lời lẽ trấn an- không còn cách nào khác là “đành chấp nhận” kiểu “chặc lưỡi” để rồi bây giờ thì "ngã ngửa".

Tình trạng “tăng gấp đôi” đã xảy ra với rất nhiều người dân ngay trong tháng đầu tiên áp dụng giá điện mới, ngay với những hộ “thắt lưng buộc bụng”.

Báo chí, dẫn những trường hợp “chỉ sử dụng 267kWh”, nhưng số tiền phải trả lên tới 580 ngàn đồng, tức là gấp đôi so với tháng chưa tăng giá, để minh chứng cho sự “chịu trận” của người dân, khi hóa ra, giá điện tăng 8,36% được  áp dụng theo giá lũy tiến bậc thang để tăng theo cấp số nhân.

Trước cú sốc của người dân, có lẽ, không thể không đặt lại câu hỏi:

Có thật là EVN đã hết cách và phải tăng giá điện để bù lỗ? Và việc tăng giá điện có làm “lành mạnh hóa tình hình tài chính” cho EVN?

Đây là những con số được chính EVN công khai: Mặc dù sở hữu khối tài sản lên đến trên 700.000 tỉ đồng nhưng 6 tháng năm 2018, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.018 tỉ, giảm 31,5% so với cùng kỳ, một mức lợi nhuận thấp đến phí phạm.

Tiền và các khoản tương đương tiền của EVN lên đến 52.920 tỉ. Và 42.800 tỉ trong đó là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Tổng lượng tiền “nhàn rỗi” của EVN lên đến gần 73.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, giá thành điện của EVN bao gồm cả chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện với chi phí tăng đều: Năm 2016: 331 tỉ. 2017: tăng lên 488 tỉ, tăng 47% so với 2016 trong khi “hiệu quả của công tác này hiện chưa thực sự rõ ràng”- đánh giá của VCCI.

Báo lỗ, bảo “không có cách nào khác” để tăng bằng được giá điện trong khi tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, trong khi hiệu quả quản trị tài chính thấp tệ, và trong khi giá điện gánh cả những chi phí trời ơi, không rõ ràng...

Có phải đến lúc cần một “trọng tài” để người dân trở thành nạn nhân của sự yếu kém trong quản trị tài chính, nạn nhân bị móc túi bởi những chi phí trời ơi và việc tăng giá ngã ngửa không biết đường nào mà lần?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn