Mới năm ngoái, ngay trong ngày đầu tiên iPhone 14 mở bán, đã có 55.000 máy được tiêu thụ, đa số là phiên bản đắt nhất - iPhone 14 Pro Max.
Theo một con số thống kê, người Việt thuộc top đầu thế giới yêu thích, mua sắm sản phẩm iPhone. Ở Việt Nam, một chiếc iPhone đời cao nhất không chỉ là một chiếc điện thoại để nghe, gọi, lướt web… mà còn có giá trị chứng tỏ bản thân. Trong số hàng chục ngàn người đăng ký đặt cọc để sở hữu iPhone 15, có rất nhiều người đang sở hữu iPhone 14.
Tiêu dùng là tốt nếu có đủ khả năng về tài chính.
Nhưng…
Nhưng Việt Nam cũng nằm trong top đầu các nước phải làm nhiều ngày công nhất nếu muốn sở hữu iPhone 15. Thống kê của iPhone Index 2023 mới đưa ra hồi giữa tháng 9.2023, người dùng Việt cần trung bình 55,6 ngày làm việc liên tục để mua được iPhone 15 Pro với cấu hình thấp nhất. Với phiên bản cao nhất, mất đến 87 ngày công.
Thực tế thì cao hơn nhiều. Nói một cách nôm na, thu nhập trung bình của một lao động Việt Nam là 7 triệu đồng/tháng, theo Tổng cục Thống kê, thì để có một chiếc iPhone 15 bản 128 GB với giá khoảng 28 triệu đồng thì sẽ mất… 4 tháng không ăn uống, chi tiêu mới mua được iPhone 15.
Nhìn vào đó, sẽ thấy IPhone là một loại mặt hàng xa xỉ. Song ở Việt Nam, một nhân viên văn phòng lương 8 triệu/tháng vẫn sẵn sàng chắt bóp, bằng cách nào đó để có chiếc iPhone mới nhất, để… khoe, để chứng tỏ mình sành điệu.
Rất khó phê phán về “cơn nghiền” iPhone ở Việt Nam bởi nó còn là sở thích, tâm lý tiêu dùng, ở góc độ nào đó còn là tâm lý xã hội về việc chạy theo xu hướng, theo đám đông.
Thế nhưng việc vay nợ để mua một sản phẩm có giá bằng hàng tháng trời tiền công chỉ để chứng tỏ bản thân, dẫn đến mất cân bằng chi tiêu của bản thân, gia đình sẽ dẫn đến hệ luỵ khó lường.
Nó cũng cho thấy một lỗ hổng lớn trong giáo dục hiện nay, đã đến lúc cần đưa chương trình quản lý tài chính cá nhân vào các chương trình học từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông.
Điều đó sẽ xây dựng được một thế hệ trong tương lai biết cách chi tiêu đúng, phù hợp thay vì lao theo cơn sốt sành điệu trong khi bản thân, gia đình, xã hội đang thiếu và đang cần thêm rất nhiều nguồn lực để phát triển.