MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá sách giáo khoa - không thể cứ “thả nổi”

Hoàng Lâm LDO | 15/06/2023 07:00

Sách giáo khoa là mặt hàng quan trọng, thiết yếu nhưng vài năm trở lại đây, mỗi dịp chuẩn bị cho năm học mới giá sách giáo khoa tăng chóng mặt tạo gánh nặng cho phụ huynh, học sinh.

Theo danh mục sách giáo khoa mới bắt đầu sử dụng trong các trường từ năm 2023-2024 theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 4, 8, 11
thì một bộ sách có giá cao nhất lên đến trên 400.000 đồng, tăng từ 2-3 lần so với giá trước đó.
Không phải chuyện mới, bởi năm ngoái giá cao nhất cho bộ sách giáo khoa khối lớp 3,7,10 đã trên 300.000 đồng, chưa bao gồm sách cho bộ môn tiếng Anh.
Nói về chuyện sách giáo khoa tăng bất thường, ngay tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra lời giải thích là “sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ” và một yếu tố nữa là “xã hội hoá”.
Lời giải thích thoạt nghe thì có vẻ hợp lí nhưng cũng có ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất của sách giáo khoa là nội dung chất lượng, sự chuẩn mực chứ không phải “giấy tốt, in đẹp”. Mặt khác, việc mỗi năm thay một bộ nên vòng đời sách giáo khoa ngắn. Hơn nữa, vì là mặt hàng thiết yếu, có độ phủ cao, giá sách giáo khoa cần phù hợp với mức sống chung. Giá sách tăng mạnh sẽ trở thành gánh nặng với nhân dân, nhất là với những gia đình có nhiều con đi học, các hộ nghèo.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng đã nói rất thẳng thắn: “Sách giáo khoa là dịch vụ thiết yếu, nên cần phải định giá cho phù hợp, không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được. Do vậy, nhà nước cần phải quản lí giá, định giá, thậm chí phải trợ giá”.
Rõ ràng một mặt hàng quan trọng như sách giáo khoa không thể muốn tăng bao nhiêu thì tăng chỉ vì mục đích lợi nhuận.
Luật Giá hiện hành chưa đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước quản lí về giá. Bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được Nhà nước quản lí giá. Trong dự án Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đã đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tối đa, các Nhà xuất bản (NXB) định giá cụ thể.
Phải có giá trần với sách giáo khoa bởi lẽ, dù đã cố gắng xã hội hoá nhưng số lượng các đơn vị tham gia làm sách hiện nay còn hạn chế dẫn đến nguy cơ “độc quyền hoá” để nâng giá bán.
Trong khi chờ Luật Giá có những thay đổi, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Có như vậy, câu chuyện giá sách giáo khoa mới không trở thành nỗi bức xúc khi chuẩn bị cho con vào năm học mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn