MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại tá Dương Xuân Phượng - Phó Giám đốc Học viện Viettel - phát biểu tại Hội thảo Giáo dục đại học Việt Nam, chiều 5.11. Ảnh: VEC

Giá trị thực của những tấm bằng đại học

Hoàng Văn Minh LDO | 07/11/2023 18:10

Một doanh nghiệp đã “định lượng” chất lượng bằng đại học loại giỏi của sinh viên Việt Nam và đã cho ra những con số bất ngờ.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Bộ GDĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 5.11 đã tổ chức một hội thảo giáo dục với chủ đề: Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Tại hội thảo này, Đại tá Dương Xuân Phượng - Phó Giám đốc Học viện Viettel, Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết qua quá trình sử dụng lao động, Viettel nhận thấy còn tồn tại khoảng cách xa giữa nội dung đào tạo tại trường đại học và thực tế doanh nghiệp.

Cụ thể, chương trình tài năng Viettel Digital Talent đã tổ chức tuyển chọn thực tập sinh tài năng và đã nhận được gần 2.000 hồ sơ ứng viên giỏi, xuất sắc. Tuy nhiên, trong số này chỉ có hơn… 100 sinh viên đạt yêu cầu.

Chương trình đã khảo sát nhanh hơn 100 sinh viên này và kết quả cho thấy, 3/4 các em tự nhận xét những gì mình được học chỉ đáp ứng được dưới 75% yêu cầu công việc.

Những con số mà ông Dương Xuân Phượng đưa ra để làm ví dụ minh họa, tất nhiên chưa phản ánh hết toàn diện thực chất của chất lượng giáo dục đại học.

Thêm nữa, tại hội thảo, ông Phượng cũng mào đầu là nhân sự của Viettel, có nguồn từ Đại học Bách khoa Hà Nội, các trường thuộc 2 Đại học Quốc gia, Học viện Kĩ thuật Quân sự, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Đại học Thương mại, Học viện Tài chính, Đại học Ngoại Thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân… “là rất ổn”.

Tuy nhiên, những con số của ông Nguyễn Xuân Phượng cũng phản ánh một thực tế là chất lượng giáo dục đại học của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề.

Trước hết là sự “xa rời thực tế”, lệch pha cung cầu của các chương trình đào tạo, nên các doanh nghiệp phải mất thời gian trung bình từ 4-6 tháng, nhiều khi cả năm để đào tạo lại nếu muốn sử dụng.

Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp đã “kêu ca” suốt mấy chục năm nay. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, tình trạng sinh viên tốt nghiệp phần lớn thiếu và yếu kiến thức chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng mềm.

Thậm chí có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngữ văn, báo chí, truyền thông… loại giỏi và xuất sắc nhưng vẫn không biết làm sao để viết câu có chủ ngữ hay ngắt câu thế nào là đúng.

Là thực trạng yếu về đầu ra khi nhiều trường đang gần như “thả cửa” đầu vào để thu hút sinh viên, điều này dẫn đến việc cũng như các cấp phổ thông, sinh viên bây giờ tốt nghiệp toàn khá, giỏi. Nhưng phần lớn sự khá giỏi được ghi trên bằng cấp là không thực chất, không có giá trị thực.

Thực trạng này không chỉ làm khó cho doanh nghiệp, như ví dụ của ông Dương Xuân Phượng, mà còn tạo sự thiếu công bằng, cạnh tranh không lành mạnh ở các môi trường việc làm ít tính “thực chiến” và chủ sử dụng lao động lại ưu tiên sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc.

Giáo dục đại học của chúng ta, với việc những năm gần đây, học sinh tốt nghiệp THPT khó mà rớt đại học và những thực trạng vừa kể, cảm giác là tấm bằng đại học bây giờ có giá trị “phổ cập” nhiều hơn là phương tiện để “vào đời”!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn