MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồi đại dịch trứng gia cầm đã từng sốt đến mức có "giới hạn mua", đến mức "hết hàng". Còn bây giờ, bão giá đã đẩy giá trứng tăng gần gấp đôi. Ảnh: Hạ Mây

Giá trứng “tăng gấp đôi”: Rồi mì tôm, trứng luộc cũng trở thành xa xỉ?!

Anh Đào LDO | 22/05/2022 09:07

Giá xăng mai sẽ lập kỷ lục mới. Giá thức ăn chăn nuôi cao chót vót khiến mỗi con heo bán ra gánh thêm 100.000 đồng tiền “phụ trội”, trong khi giá trứng đã tăng gấp đôi.

Tại tọa đàm Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam 2022, TS Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia đã cảnh báo về thời điểm “căng thẳng của lạm phát” là vào quý III. 2022.

Lạm phát là gì? Với dân, lạm phát đơn giản là tiền lương thu nhập vẫn thế, trong khi giá cả thì không ngừng tăng, không ngừng sốt khiến cùng một đồng nhưng “bị” mua được ít hàng hoá hơn.  

Lấy ví dụ trái trứng chẳng hạn. Trứng là loại “đạm bình dân” giá rẻ, nó có mặt từ ở xuất cơm bụi vỉa hè, bữa ăn công nhân cho đến bàn tiệc. Một đặc điểm của trứng, với tư cách hàng hoá - thì đại khái nó là loại hàng hoá trong điều kiện bình thường gần như chỉ giảm chứ không sốt giá.

Hồi dịch bệnh, khi trứng bị vét sạch kệ ở các siêu thị, khi “mỗi người chỉ được mua 2 vỉ”, khi giá trứng từ 20.000 đồng/chục tăng lên 28.000 đồng, rồi 40.000 đồng thì đó chính là biểu hiện của khủng hoảng... khi nông dân, doanh nghiệp sản xuất ra trứng nhưng khâu lưu thông thì ngưng trệ.

Vậy mà bây giờ, ngay thời điểm này, một chục trứng đã lên giá 35.000-38.000 đồng. Mức giá đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Cao đến mức đã thành một cơn sốt. Cao đến độ đã bắt đầu có những lo ngại về sự khan hiếm.

Tại sao có chuyện sốt giá khi mà mỗi con gà siêu trứng mỗi năm có thể đẻ tới 300 quả, tức chỉ cần hơn 1 ngày để đẻ một quả trứng?

Câu trả lời không có gì bí hiểm cả. Thức ăn chăn nuôi đang tăng liên tiếp từ đầu năm. Và vừa xong, lại vào đợt tăng giá mới, khiến người chăn nuôi giảm đàn gia cầm vì sợ lỗ.

Cũng như hồi dịch bệnh, cơn sốt giá mặt hàng phổ thông, loại thực phẩm cơ bản nhất trong bữa cơm này đang như một chỉ dấu về sự bất ổn.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định: Năm nay, kinh tế Việt Nam đối diện nguy cơ lạm phát ở mức “tăng gấp đôi năm ngoái”. Có nghĩa rằng việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa.

Không ngẫu nhiên, Viện nghiên cứu kinh tế chính sách vừa có kiến nghị rằng: Đây cũng là thời điểm cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng dầu nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác".

Ngày mai, giá xăng sẽ được điều chỉnh. Và nếu nó tiếp tục phá mốc lịch sử thì có lẽ... sẽ là một sức ép khủng khiếp lên giá cả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn