MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng dầu cao chưa từng thấy đang đẩy giá tất cả các loại hàng hoá theo hiệu ứng domino. Ảnh: Ngọc Lê

Giá xăng cao chưa từng có và những bữa cơm bị “cắt khẩu phần”

Anh Đào LDO | 03/06/2022 17:34

Nếu cách giải thích “vẫn thấp hơn giá thế giới” cũng là một cách điều hành giá để giá xăng dầu liên tiếp phá kỷ lục thì phải chăng chúng ta đâu cần một liên ngành, một đầu mối làm nhiệm vụ điều tiết giá?!

Nguyễn Thị An nữ công nhân đang sống ở Đông Anh, Hà Nội đối phó với “bão giá” bằng cách cắt bỏ thịt bò và tôm ra khỏi khẩu phần ăn cho dù “2 đứa nhỏ rất cần dinh dưỡng”. Rồi đến lượt tiền sữa, mỗi tháng khoảng 2-3 triệu đồng cũng bị “cắt”. Thay vào đó, 2 đứa nhỏ dùng sữa tăng ca của bố.

Giá xăng tăng cao đã đẩy các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng một cách khủng khiếp. Giá tôm tăng gần gấp đôi. Dầu ăn, tăng gấp đôi. Trứng- món đạm của người nghèo chẳng hạn, cũng tăng gấp đôi.

Không có gì khó hiểu khi cảm giác chung của người lao động là “như mất cắp” khi ra chợ.

Trước nghị trường, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng quan trọng nhất và bày tỏ lo ngại nếu để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến “domino” các giá cả các mặt hàng khác.

Rồi hôm qua, giá xăng phá kỷ lục: giá xăng RON 95 đã lên mức 31.570 đồng mỗi lít.

Nhưng cũng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên “trình bày”: “phải hiểu rằng nền kinh tế của nước ta có độ mở rất cao, hàng hoá làm ra chủ yếu để xuất khẩu. Nếu ép giá đầu vào để giảm giá thành sản phẩm sẽ không phản ánh đúng giá trị thực tế; vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.

Và ông nhấn mạnh, như là một lý do- câu chuyện: giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn giá xăng thế giới.

Trong một công bố trước đó, Bộ Công thương tính toán rằng giá xăng Việt Nam được xếp hạng 86/170 quốc gia.

Nếu nhấn mạnh thứ hạng 86/170 quốc gia về giá, nhưng lại quên thứ hạng 143 thế giới về GDP bình quân đầu người thì liệu đó có phải là một lý do?

Và nếu “vẫn thấp hơn giá thế giới” vẫn được mang ra giải thích thì liệu chúng ta có cần một cơ quan điều hành giá xăng dầu?

Khi giá xăng dầu lập đỉnh, xuất khẩu dầu thô cũng thu bộn tiền. 5 tháng đầu năm, thu từ dầu thô ước đạt tới 5,2 ngàn tỉ đồng; luỹ kế 5 tháng đạt 29,4 ngàn tỉ tăng đột biến tới 90,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì sao con số đột biến đó không dùng để hỗ trợ cho dân vào giá xăng dầu?

Vì sao biết trước giá nguyên liệu đầu vào sẽ “domino” giá hàng hoá, làm chương trình phục hồi kinh tế bị đổ vỡ mà thuế phí vẫn ở mức 30-40%?!

Những câu hỏi này cần có ai đó trả lời để dân không khốn khổ cắt cả sữa con thơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn