MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến Minh 38 tuổi vẫn phải dựng vợt thi đấu tại Olympic. Ảnh AFP

Giấc mơ Olympic và những bể bơi bỏ hoang, những nhà thi đấu cho bò đi dạo

Linh Anh LDO | 28/07/2021 12:30

Vậy là giấc mơ huy chương Olympic Tokyo của đoàn Thể thao Việt Nam cho đến giờ này đã không thành hiện thực.

Những thất bại liên tiếp trong nuối tiếc và cả sự thất vọng nhất là khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indinesia đã có những tấm huy chương của họ. Trong đó có cả những tấm huy chương vàng.

Thành phần và thành tích ở Olympic là bộ mặt của thể thao quốc gia. 3 kỳ Olympic gần nhất chúng ta có huy chương, thậm chí năm 2016 còn có HCV môn bắn súng. Lần này gần như trắng tay, hầu như không còn hy vọng thì không phải là chuyện bình thường.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại này, sẽ được mổ xẻ. Nhưng chắc chắn có một điều: đầu tư thế nào sẽ gặt hái thế đó. Đầu tư không chỉ là câu chuyện trực tiếp cho lứa vận động viên dự Olympic mà còn là đầu tư xây dựng nền móng.

Báo Lao Động gần đây phản ánh về bể bơi được đầu tư 20 tỉ ở thời điểm cách đây 20 năm tại Ninh Bình cho đến giờ vẫn chỉ là một mảnh đất bỏ hoang cây cỏ mọc um tùm. Gần hơn là nhà thi đấu được đầu tư ngàn tỉ ở Hà Nam nằm hoang lạnh giữa cánh đồng. Ngay tại Hà Nội, Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình vửa bị Thanh tra kết luận có nhiều sai phạm tại các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sửa chữa cải tạo có dấu hiệu gây thiệt hại, thất thoát nguồn vốn nhà nước với số tiền lên tới cả chục tỷ đồng…

Nhà thi đấu Hà Nam được đầu tư hàng ngàn tỉ đứng giữa cánh đồng là biểu tượng của sự lãng phí. Ảnh VN

Chưa có một khảo sát đầy đủ nào về những công trình thể thao được đầu tư hàng trăm, thật chí hàng ngàn tỉ ở tất cả các tỉnh thành bị bỏ hoang, hoặc hiệu quả sử dụng gần như bằng 0. Nhưng chắc chắn là số lượng là rất nhiều.

Lãng phí tiền bạc là một chuyện nhưng chúng ta cũng lãng phí hàng ngàn tài năng thể thao không thể phát triển do thiếu cơ sở vật chất, môi trường hàng ngày để luyện tập.

Và thế là chúng ta phải dự Olympic với một Hoàng Xuân Vinh lẽ ra đã nghỉ hưu, một Tiến Minh đã 38 tuổi chơi cầu lông chuyên nghiệp 20 năm vẫn phải dựng vợt thi đấu hay một Ánh Viên còng lưng gánh thành tích cho làng bơi Việt Nam hết giải này đến giải khác bao nhiêu năm trời.

Rồi ai sẽ thay thế họ để tiếp giấc mơ Olympic? Khó có câu trả lời nếu không có thay đổi về đầu tư cho thể thao: từ việc sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, phát triển thể thao học đường đến các chế độ đãi ngộ cần thiết cho các vận động viên chuyên nghiệp.

Từ thành tích Olympic của đoàn thể thao Việt Nam lần này cũng cần phải đánh giá nghiêm túc việc có cần thiết tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam nữa hay không.

Giải đấu SEA Games vốn đã có uy tín ngày càng thấp này đã bị lùi sang năm 2022 do dịch bệnh nhưng kinh phí thì chỉ có tăng thêm, chắc chắn sẽ không dừng lại con số 1.600 tỉ mà Tổng cục TDTT đưa ra hồi năm ngoái.

Tổ chức SEA Games để làm gì khi thể thao Việt Nam tại Olympic thua chóng mặt, khi mà vẫn còn rất, rất nhiều những công trình thể thao bỏ hoang để cỏ mọc, trâu bò đi dạo?

Câu hỏi đó cần sớm trả lời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn