MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải bài toán bất bình đẳng và phát huy tài năng của lao động nữ

Hoàng Lâm LDO | 20/10/2023 06:32

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định: Phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng trên thị trường lao động. Đồng thời phải mang trên vai gánh nặng kép vừa đi làm vừa cáng đáng trách nhiệm gia đình nặng nề hơn nhiều so với nam giới.

Hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, tỉ lệ này ở cấp độ toàn cầu là 47,2% và tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 43,9%.

Vài năm trước, trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, TS. Phạm Thị Thu Hà - một trong 3 nhà khoa học nữ được Tạp chí Asian Scientist (Singapore) bình chọn vào Top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á- có nói rằng: “Ngoài làm khoa học, tôi còn là một người mẹ, một người vợ. Phải làm sao chu toàn được gia đình, chăm sóc con cái mà vẫn làm tròn vai một nhà khoa học là điều không hề dễ. Khó khăn của phụ nữ làm khoa học vì thế mà cực gấp đôi so với các đấng mày râu”.

Nhưng bất bình đẳng về thu nhập vẫn hiện hữu. Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới nhất cho hay: Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,1 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).

Mức chênh lệch này khá đáng kể. Các chuyên gia ILO còn phân tích thêm: “Lao động nữ chiếm đa số trong những việc làm dễ bị tổn thương, đặc biệt là công việc gia đình. Tuy nhiên, thu nhập của họ thấp hơn của nam giới bất luận thời giờ làm việc là tương đương với nam giới và chênh lệch giới về trình độ học vấn đã được thu hẹp đáng kể. Tỉ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí ra quyết định còn quá thấp. Phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động nhưng chỉ đảm nhận chưa đến một phần tư vị trí lãnh đạo, quản lý chung”.

Trở lại câu chuyện của TS Phạm Thị Thu Hà, chị cũng chia sẻ: “Áp lực kinh phí là gánh nặng đè nặng trên vai những nhà khoa học. Tôi mong muốn cơ chế làm sao để tiền lương các nhà khoa học đủ trang trải cuộc sống, không thể cứ mãi lấy lương đầu tư cho nghiên cứu, có như vậy thì các nhà khoa học mới yên tâm”.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã đưa ra dự thảo về “Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”, trong đó định nghĩa khá sát về đối tượng “người có tài năng”.

Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng, dự thảo cũng cần đưa thêm một số điều khoản mang tính đãi ngộ riêng cho những tài năng là nữ giới. Cùng với đó, thu hẹp và xóa bất bình đẳng về thu nhập giữa lao động nam và nữ cũng cần sớm có lời giải để nữ giới không chỉ đảm bảo thiên chức người mẹ, người vợ trong gia đình mà phát huy tài năng, trí tuệ tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn