MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp sống chung với hạn mặn: Phù hợp trước mắt nhưng không căn cơ!

Lê Thanh Nguyên LDO | 28/02/2020 11:00
Giải pháp sống chung với hạn mặn trong điều kiện như hiện nay là phù hợp, nhưng đó không phải là bước đi căn cơ nếu không tiến  hành được cùng với giảm thiểu từ đầu tư cơ bản và phát huy thế mạnh tiềm tàng trong tự nhiên.

Mấy ngày qua, trên các phương tiện truyền thông, dòng chủ lưu đậm nhất là hạn - mặn diễn ra gay gắt từ hiệu ứng biến đổi khí hậu, đáng ngại là nơi chịu nặng nề nhất là vùng trọng điểm nông nghiệp của quốc gia (Đồng bằng sông Cửu Long). 

Không phải mới đây mà từ những năm 80 cuối thế kỷ trước, tình trạng biến đổi khí hậu và thực trạng hạn mặn kéo dài, nước biển dâng đã được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, càng về sau càng đậm đặc hơn, bởi diễn biến khắc nghiệt này đã là vấn đề của toàn cầu, khi băng ở hai cực Nam và cực Bắc tan nhanh, đổ nước xuống đại dương, đẩy nước biển dâng cao và nhanh hơn tốc độ sụt lún của mặt đất.  

Đối diện với thảm trạng khí hậu ấy, nhiều chuyên gia thế giới đã hướng đến  hai giải pháp: Giảm thiểu và thích nghi. Rõ là đối diện với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, không thể quay ngược về thời trước tan băng ở hai bờ cực Nam và cực Bắc…Vấn đề còn lại là chọn giải pháp.  

Dĩ nhiên đa số theo xu hướng giải quyết được cấp thời và ít tốn kém trước mối đe doạ của xâm nhập mặn đang lấn sâu vào đất liền… Các chuyên gia đưa ra luận điểm riêng, còn việc hoạch định chính sách khả thi thì vẫn loay hoay theo các cuộc tranh luận, hội thảo khoa học. Trong khi truyền thông thì dù cứ dồn dập thông tin về hiệu ứng biến đổi khắc nghiệt của khí hậu… nhưng vẫn không tạo được  sự chuyển động nào đáng kể từ thực tiễn trong đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn.

Mười năm qua, mặn xâm nhập sâu trong kênh rạch. Diện tích bị mặn xâm nhập tăng từ 700 nghìn ha lên trên 2 triệu ha ở ĐBSCL, lúa bị mắt trắng từ 100 nghìn ha tăng lên 240 nghìn ha (năm 2016). Áp lực của hạn - mặn đã khiến nông dân phải chọn cho mình giải pháp riêng: Sống chung với hạn mặn. 

Đầu tiên là tự chuyển đổi tập quán canh tác cây lúa vì đây là đối tượng chính yếu tiêu tốn nhiều nước ngọt và dễ dị ứng với khô mặn, ở bán đảo Cà Mau đã có nông dân tự chuyển đổi chỉ trồng một vụ lúa mùa và xen canh với cây bắp, thậm chí có nơi không trồng cây lúa nữa mà chỉ nuôi tôm cá…  

Xâm nhập mặn không chỉ gây áp lực trên cây trồng vật nuôi mà cả với dân sinh, mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nước ngọt cho ăn uống và sinh hoạt trở nên hiếm hoi, gần như khô cạn, nhiều nông dân đã liên kết lại đào ao to, hoặc vét lại mương cũ để chứa trữ nước mưa khi mưa về như ông bà xưa kia vẫn làm… Ở Trà Vinh, nông dân còn sắm nhiều lu để trữ nước mưa. 

Thực tế, việc phải mót từng giọt nước ngọt diễn ra ở nơi có trữ lượng nước nhiều nhất thế giới trở thành điều trái khoái, khó tin; nhưng dẫu sao sự điều chỉnh, xoay xở ấy có thể là giải pháp cấp thời, giúp người nông dân nơi vùng ngập mặn tạm sống chung được với hạn mặn và còn giữ được chút niềm tin về tương lai. 

Thế nhưng với tốc độ tăng trưởng dân số hiện nay và mật độ dân cư khu vực này đang di chuyển gần đến ngưỡng 500 người/km2 (bình quân cả nước chỉ 290người/km2), giải pháp sống chung với hạn mặn trong điều kiện như hiện nay là phù hợp. Nhưng đó không phải là bước đi căn cơ nếu không tiến hành được cùng với giảm thiểu từ đầu tư cơ bản và phát huy thế mạnh tiềm tàng trong tự nhiên…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn