MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp tài chính ngăn tín dụng đen từ gốc

Hoàng Lâm LDO | 27/03/2024 08:20

Báo Lao Động đăng câu chuyện về một nữ công nhân làm việc ở KCN Tam Thăng (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cuối năm vừa rồi, công ty ít hàng và cắt giảm giờ làm, khiến thu nhập của chị cũng giảm đáng kể. Không đủ tiền chi trả sinh hoạt gia đình, nữ công nhân liên hệ vay tiền qua tờ rơi nhặt tại phòng trọ. Chị này chỉ cần photo căn cước công dân đưa cho một người đàn ông để vay 10 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng.

Đến khi người vay không kịp trả lãi thì bị các đối tượng gọi điện thoại đe dọa sẽ hành hung và tự ý tăng lãi suất với lý do vi phạm hợp đồng.

“Liên tục bị “khủng bố” tinh thần, tôi đành mượn tiền bạn bè, người thân trả tiền gốc và tiền lãi cho các đối tượng. Tổng số tiền lãi phải trả sau 6 tháng là gần 20 triệu đồng”- chị nói.

Lúc vay 10 triệu đồng, nửa năm sau chỉ tiền lãi là 20 triệu đồng. Câu chuyện này nghe rất quen. Hoạt động tín dụng đen với những chiêu thức ngày càng tinh vi, các dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn, tín dụng đen đang ngày càng “len lỏi” vào đời sống của công nhân lao động, đặc biệt là ở nơi trọ các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Người lao động biết là tín dụng đen nhưng vẫn đi vay. Đơn giản là họ ít lựa chọn. Cho vay nhanh, gọn, không cần thủ tục phức tạp chính là yếu tố mà đông đảo người lao động tìm đến tín dụng đen thay vì các tổ chức tín dụng hợp pháp khác.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách công (IPS) khi trao đổi với Lao Động thì cho rằng: Thủ tục rườm rà khiến người lao động ngại tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Điều này đúng cả với việc triển khai các gói an sinh trước đây khó giải ngân khi hỗ trợ người lao động sau dịch COVID-19. Hệ quả là khi lao động cần nhất lại không nhận được trợ cấp, điều này dễ đẩy họ đến tín dụng đen hoặc rút bảo hiểm xã hội một lần, gây mất ổn định xã hội.

Ở chiều ngược lại, việc nới lỏng điều kiện cho vay không hề dễ dàng. Bởi bên cạnh những người đi vay thực hiện đúng hợp đồng thì cũng có không ít người lao động gặp khó khi trả gốc và lãi. Lúc này, tổ chức tín dụng lại rất khó đòi và nguy cơ nợ xấu sẽ cao.

Nếu như câu chuyện để người lao động nói “không” với tín dụng đen thì phải cùng lúc thực hiện hai việc: Mở cửa để người lao động tiếp cận nguồn vốn nhưng cũng cần có ràng buộc chặt chẽ hơn để tổ chức tín dụng nhanh chóng giải ngân và nhanh chóng thu hồi nợ đến hạn.

Hiện nay, tại nhiều địa phương, tổ chức Công đoàn kết hợp với các tổ chức tài chính như HD Saison, FE Credit hay tổ chức tín dụng vi mô CEP có các chương trình hỗ trợ người lao động. Điển hình như CEP - một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân trực thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM đang triển khai gói vay khẩn cấp lên tới 500 tỉ đồng mà người vay không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0,4%/tháng từ đầu tháng 3.2024 đến 31.12.2024.

Bên cạnh công tác truyền thông, giáo dục để người lao động nhận biết và không tham gia tín dụng đen thì nỗ lực của tổ chức Công đoàn cũng là một giải pháp để công nhân, người lao động tìm thấy sự hỗ trợ khi cần nguồn vốn lúc gặp khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn