MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp tránh nạn dự án đội vốn, rùa bò

Anh Đào LDO | 28/04/2018 12:13
Khi chứng kiến cảnh ùn tắc kinh hoàng chiều qua, ở hầu hết các cửa ngõ, ở cả Hà Nội và TPHCM, nhiều người nhắc rằng chúng ta đang có 4 dự án đường sắt đô thị đáng lẽ đã hoàn thành.

Cát Linh- Hà Đông, khởi công 2011, dự kiến hoàn thành 2017, và giờ là 2018 vẫn chưa xong. Tổng mức đầu tư ban đầu 552 triệu USD, đến năm 2016, đã bị đội vốn lên 868 triệu USD.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khởi công 2010, dự kiến hoàn thành 2018, nhưng đến nay, mới thực hiện được 43% khối lượng. Mức đầu tư, đội từ mức 18,4 ngàn tỉ lên gần gấp đôi: 32,9 ngàn tỉ.

Tại TPHCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, tổng mức đầu tư ban đầu 17,3 ngàn tỉ, 4 năm sau, được điều chỉnh lên hơn 47,3 ngàn tỉ. Tiến độ ban đầu: năm 2017, đến nay: được 50% khối lượng.

Dự án số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương. Tổng mức đầu tư ban đầu 26,1 ngàn tỉ. Đến 2015, được “điều chỉnh” lên 48,7 ngàn tỉ. Chưa biết khi nào xong.

Vài dòng về 4 dự án đường sắt đô thị trên cả nước, có lẽ là quá đủ để nhìn thấy điểm chung: kéo tiến độ bất tận, tăng vốn khủng khiếp. 

Nhưng chúng tôi nhắc lại câu chuyện 4 dự án ì ạch, đội vốn khủng khiếp hôm nay không phải là để nhân lên nỗi bức xúc, mà nhằm cổ suý cho một dự định mà Bộ KHĐT đang nung nấu. 

Một dự thảo Nghị định về quản lý sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi vừa được Bộ KHĐT lấy ý kiến, với một đề xuất mang tính cách mạng: khu vực tư nhân sẽ được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Cụ thể, nếu tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, họ có thể tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và vay lại vốn ODA qua hệ thống ngân hàng thương mại theo phương thức ngân hàng chịu rủi ro tín dụng.

Nói cách mạng, là bởi từ lâu ODA vẫn gần như là một thứ đặc quyền của khu vực nhà nước. Nói cách mạng là vì dù xác định và tôn vinh vai trò cũng như đóng góp của khu vực phi nhà nước, nhưng việc tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, vẫn còn bất bình đẳng rất lớn.

Ngoài việc thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo ra hàng  triệu việc làm mỗi năm… thì khu vực tư nhân chỉ cần 1, 2 đồng vốn để tạo ra một đồng doanh thu, trong khi khối nhà nước tỉ lệ này là 2,2 đồng vốn/1 đồng doanh thu.

Muốn chấm dứt tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, chẳng cần cải cách gì hết, chỉ cần tin tưởng giao dự án cho tư nhân chỉ cần cho họ tiếp cận nguồn lực vốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn