MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, cảnh hàng ngàn xe nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu không năm nào không diễn ra. Ảnh: Như Nguyệt/LĐO

Giảm 13 khâu trung gian: nan giải nhưng phải có lời giải

Anh Đào LDO | 22/12/2020 10:30

Vì sao giá một kg tôm ở Sóc Trăng chỉ 80 ngàn nhưng lên đến TP HCM lại tới 400 ngàn? Vì trung gian. Nông sản xuất khẩu còn kinh khủng hơn: 13 khâu trung gian.

13 khâu trung gian để cây trái Việt Nam đến được người tiêu dùng Trung Quốc là tính đếm của bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico - tại hội thảo "Chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp" hôm 21.12 trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect 2020.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời bà Thực nói trung gian khiến “bao nhiêu khó khăn, rủi ro… tất cả đều đẩy đến người "gánh" chịu cuối cùng là nông dân, nhất là rủi ro về giá bán.

Nữ doanh nhân mang tên Thành Thực cũng thẳng thắn rằng: Cho đến giờ này, đối với Việt Nam thì hầu như tất cả, trong đó, có một phần doanh nghiệp của bà đều làm thuê cho Trung Quốc. “Bởi, thương lái Trung Quốc mua đến từng chành, vựa và đấy là một sự thật chúng ta phải chấp nhận”.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Đó là một sự thật. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2019, kim ngạch thương mại nông lâm thuỷ sản giữa hai nước đạt 15,7 tỉ USD. 10 tháng năm nay, bất chấp khó khăn từ dịch bệnh, kim ngạch song phương vẫn đạt 11,2 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 8,3 tỉ USD.

Thương lái Trung Quốc mua đến từng chành, vựa cũng là một sự thật. Dẫu là sự thật ấy vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, vừa tạo ra trong thực tế những khủng hoảng, những dồn cục ùn ứ như từng xảy ra với vô số các loại nông sản từ khoai, hành, tỏi, ớt tới… heo.

Còn một sự thật lớn hơn là sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường đang chiếm 60-70% tổng giá trị xuất khẩu trái cây; 30% tỷ trọng xuất khẩu cá tra; 90,8% thị phần xuất khẩu mì; 12,6% thị phần điều; 76,2% thị phần cao su.

Cứ mỗi khi thị trường đấy “hắt hơi” là chúng ta phát sốt.

Và giờ, đến sự thật 13 khâu trung gian.

Với tới 13 khâu trung gian ấy thì nông dân còn lại gì ngoài khó khăn, rủi ro…?! Còn người tiêu dùng, phải mua rất đắt đỏ mà muốn mua rẻ chỉ có cách “lên tivi mà mua”.

Hồi giá thịt heo lên cơn sốt, chính Thủ tướng đã nhìn thấy sự bất hợp lý trong việc tổ chức khâu trung gian và ông đặt ra yêu cầu: Cần quản lý tốt khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn.

Khâu trung gian là yếu tố chính đẩy giá thịt heo cao đến mức chính người nông dân cũng sững sờ.

Khâu trung gian khiến giá một kg tôm ở Sóc Trăng chỉ 80 ngàn nhưng lên đến TP HCM lại tới 400 ngàn.

Dĩ nhiên, một nền kinh tế thị trường không thể không nói đến vai trò của khâu trung gian trong lưu thông. Và cũng phải ghi nhận những bà con tiểu thương- những khâu trung gian làm ăn chân chính. Nhưng với 13 khâu trung gian trong xuất khẩu nông sản này có lẽ cần được làm rõ. Nhiều khâu vừa “ăn“ trên đầu nông dân, vừa móc trong túi người tiêu dùng. Trong số đó không thể không nói đến bữa ăn của hàng chục triệu công nhân và người lao động ngày càng teo tóp bởi cái hệ quả phải gánh chi phí quá vô lý của cả chục khâu trung gian này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn