MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giám đốc “bẩn”, trưởng khoa “bẩn”

Anh Đào LDO | 19/05/2018 18:30
Cái nhà vệ sinh, không chỉ là cái nhà vệ sinh, mà ở khía cạnh nào đó, nó còn là bộ mặt của ngành y tế.

"Một nhà vệ sinh chuẩn thì nền phải khô, sạch, có khăn/thảm chùi chân, khu bồn cầu phải có giấy và thùng rác, có lavabo, gương và xà bông, nhưng không phải xà bông cục vì với bệnh viện thì xà bông cục sẽ bẩn, nếu lịch sự thì có thêm máy sấy khô tay"- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra định nghĩa về một nhà WC bệnh viện, sau khi Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Nguyễn Thanh Hà nhiều lần không nói rõ được mô hình này, theo Tuổi trẻ.

Và Bộ trưởng chốt hạ: Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn tức là giám đốc bẩn, trưởng khoa bẩn!'

Có thể nói, không ít lần nữ bộ trưởng tỏ ra kiên quyết với câu chuyện nhà WC bệnh viện, kể cả việc ràng buộc trách nhiệm với đích danh giám đốc bệnh viện.

Nhớ trong báo cáo Chỉ số hài lòng, do Cục Quản lý khám chữa bệnh và Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam thực hiện, tiêu chí Nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58/5). Cho dù đã có 80% nhà vệ sinh được Bộ Y tế cho là đã đạt yêu cầu, nhưng vẫn còn 18% chỉ đạt mức 1,2, tức là không chỉ thiếu các dụng cụ vệ sinh và còn rất bẩn thỉu hôi hám.

Thậm chí, có những bệnh viện nhà vệ sinh hỏng không sử dụng được. Cũng không ít phổ biến là nhà vệ sinh bị... khóa cửa. Và điều này là không thể chấp nhận trong một môi trường về nguyên tắc là nơi phải tránh tối đa vi trùng vi khuẩn.

Mà việc giữ một cái nhà vệ sinh sạch sẽ đâu có gì là khó khăn! Đâu có tốn kém quá nhiều tiền! Đâu có bất khả thi để phải nhắc đi nhắc lại từ năm này qua năm khác.

Cái nhà vệ sinh, không chỉ là cái nhà vệ sinh, mà ở khía cạnh nào đó, nó còn là bộ mặt của ngành y tế. Và việc chê trách “giám đốc bẩn, trưởng khoa bẩn” hay việc ràng buộc trách nhiệm với người lãnh đạo đang cho thấy quyết tâm của Bộ trưởng Tiến. Nói cụ thể, những cái nhà vệ sinh phải sạch sẽ, nhưng lớn hơn, là thái độ phục vụ của ngành y tế với người bệnh.

Hôm rồi, có bệnh nhân thắc mắc rằng tại sao lại có sự phân biệt đối xử ngay cả ở khía cạnh... nhà vệ sinh? Tại sao lại có nhà vệ sinh riêng cho nhân viên y tế, nhà vệ sinh cho bệnh nhân? Rằng: Nhân viên y tế là con người còn bệnh nhân chẳng lẽ không phải là con người?

Có lẽ, những cái nhà vệ sinh bệnh viện sạch sẽ, việc đầu tiên các bệnh viện cần làm là bỏ đi sự phân biệt nhà vệ sinh nhân viên y tế/ nhà vệ sinh bệnh nhân. Có lẽ, đường dây nóng Bộ Y tế cần có kênh tiếp nhận những bức ảnh mà bệnh nhân chụp trực tiếp từ bệnh viện. Và có lẽ, cần phải có đích danh một ông “giám đốc bẩn” làm gương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn