MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một doanh nghiệp thuỷ sản từ chối được giảm lãi, vì mức giảm lãi suất 0,1-0,2% quá nhỏ, "nhận chi cho mang tiếng". (Ảnh minh hoạ/Nhật Hồ)

Giảm lãi suất kiểu “thoa dầu gió”

Anh Đào LDO | 10/09/2021 10:15

Ngân hàng không biết lo cho người bạn của mình khi gặp nạn”- Một giám đốc doanh nghiệp thuỷ sản nói đầy ngậm ngùi trên Lao Động. Chẳng có người bạn nào khi ta ốm liệt giường thoi thóp mà lại mang “dầu gió” đến cả.

“Dầu gió” ở đây là mức lãi suất tượng trưng 0,1-0,5% mà các ngân hàng tuyên bố “giảm”.

Một cuộc khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và báo điện tử VnExpress cho biết: 70% trong số 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã phải đóng cửa. Mà một trong những nguyên nhân quan trọng là họ không còn nguồn lực nữa.

Nguồn lực, vốn hay gì gì đó thật ra chỉ là tiền.

Nếu tiền, được ví như “máu” thì doanh nghiệp đang thiếu máu trầm trọng. 40% số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh vì COVID-19 cho biết: Chỉ còn tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng.

Hộ kinh doanh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. 45% cho biết có dòng tiền duy trì dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty TNHH, cổ phần là 39,5%; doanh nghiệp Nhà nước 30%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 23,5%.

Ngay cả những doanh nghiệp còn lực để "sống" trong 1-3 tháng (khoảng 46%) cũng đang đứng trước khả năng giải thể nếu giãn cách liên tục kéo dài.

Không còn tiền, thiếu máu, mọi chi phí tăng rất cao trong dịch bệnh, và áp lực trả nợ, áp lực lãi vay đang khiến các doanh nghiệp điêu đứng.

Trong khi đó, ngân hàng thì “lại thừa tiền”. Trong khi đó mức giảm lãi suất thì... tượng trưng, như “thoa dầu gió”.

“Lại thừa tiền” là một tình trạng rất không mới, không khó để lý giải: Do “dịch bệnh diễn biến phức tạp”, do các doanh nghiệp phải đóng cửa, do các hộ ngừng kinh doanh...

Báo chí dẫn một con số từ ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước để “lượng hoá” tình trạng thừa tiền: Đó là mức tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 8 mới chỉ đạt khoảng 7,4% so với đầu năm.

Vay khó đã đành. Ngay cả áp lực nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con thật ra doanh nghiệp chưa hề được nương tay.

Trở lại với phát biểu ngậm ngùi về “người bạn” ngân hàng của vị giám đốc doanh nghiệp nọ.

Mức “giảm lãi suất”, có nơi chỉ 0,1-0,2% nó bèo bọt đến xúc phạm đến mức một chủ doanh nghiệp thuỷ sản đã “xin không nhận” khi mà “mức giảm quá nhỏ”, trong khi “lợi nhuận của ngân hàng này khá cao”. Và “nhận chi cho mang tiếng”.

Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp cạn vốn. Ngân hàng báo lãi kếch xù, doanh nghiệp khát từng đồng, từng xu. Và mức giảm lãi suất tại các ngân hàng như mang “dầu gió” cứu người đắp chiếu. Có lẽ, đã đến lúc phải thay đổi câu chuyện này, bằng một chính sách. Bởi nếu doanh nghiệp kiệt quệ thì khoản nợ sẽ thành nợ xấu. Hay đơn giản hơn, đồng tiền không đưa được vào sản xuất sẽ chỉ là "đồng tiền đực".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn