MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì (trái) xuất hiện trên sân khấu để phụ họa cho tiết mục của Lê Văn Phú. Ảnh chụp màn hình.

“Giang hồ mạng” Phú Lê không thể múa hát trong trường học

Hoàng Văn Minh LDO | 06/10/2023 11:57

Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái yêu cầu giải trình vụ hiệu trưởng múa phụ họa cùng "giang hồ mạng" Phú Lê mặc đồ vua nhà Thanh (Trung Quốc) hát trước 500 học sinh.

Trước đó, trong Tết Trung thu tại Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì của xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, “giang hồ mạng” Phú Lê đã xuất hiện với tư cách ca sĩ, ăn mặc trang phục kiểu vua chúa nhà Thanh (Trung Quốc), lên sân khấu hát hò.

Đáng nói là trong các clip và hình ảnh lan truyền trên mạng, theo xác minh của phóng viên Lao Động thì có cả sự góp mặt của ông Nguyễn Danh Trí Quảng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì.

Ông Quảng đã lên sân khấu khi Phú Lê đang biểu diễn, vẫy vẫy, vỗ tay để phụ họa vào tiết mục của nhân vật chính, trước sự chứng kiến của ít nhất 500 học sinh.

“Giang hồ mạng” Phú Lê là ai?

Phú Lê, tục danh là Lê Văn Phú (sinh năm 1980) là một “giang hồ” nổi trên mạng xã hội, kiêm ca sĩ, diễn viên nghiệp dư khi tham gia một số sự kiện về âm nhạc, đóng video âm nhạc, phim ngắn về chủ đề giang hồ.

Phú được biết đến là người thường xuyên rao giảng đạo đức, "nghĩa khí giang hồ" trên kênh YouTube có gần 2 triệu lượt đăng ký của mình. Trong năm 2020, Phú Lê cùng 2 đàn em từng bị Viện KSND huyện Đan Phượng (Hà Nội) truy tố tội Cố ý gây thương tích.

Việc ông Nguyễn Danh Trí Quảng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì, thần tượng hay yêu thích một người như “giang hồ mạng” Phú Lê với tư cách cá nhân cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ông Quảng, với tư cách hiệu trưởng, không được phép để một nhân vật đầy tai tiếng trên mạng, lại từng cùng đàn em bị truy tố vì tội cố ý gây thương tích, bước vào cổng trường trong trang phục lố lăng và phản cảm như vậy để múa hát trong chương trình “Đêm hội trăng rằm”.

Ông Quảng cũng không được phép bày tỏ sự yêu thích của mình bằng cách lên sân khấu vẫy vẫy, vỗ tay phụ họa cùng “giang hồ mạng” trước sự chứng kiến của ít nhất 500 học sinh với tâm hồn đang trong sáng như 500 “tờ giấy trắng”.

Ông Quảng muốn truyền thông điệp gì đến 500 học sinh của mình qua sự kiện này? Và 500 học sinh sẽ nghĩ gì khi “được” thưởng thức những tiết mục “nghệ thuật” do một tấm gương như Phú Lê trình diễn?

Trường học là một "ngôi đền thiêng" để giảng dạy, giáo dục tri thức và nhân cách. Trường học không phải là nơi để những người như “giang hồ mạng” Phú Lê có thể bước vào đó để trình diễn nghệ thuật và ông hiệu trưởng bày tỏ sự yêu thích bằng cách lên sân khấu cùng vỗ tay phụ họa dù với bất kỳ lý do nào!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn