MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo dục di sản bằng việc đi thực tế tạo được sự hào hứng cho các học sinh. Ảnh: Thành Đạt.

Giáo dục di sản cho học sinh là cách làm mới và hay, cần được nhân rộng

Hoàng Văn Minh LDO | 13/04/2024 20:25

Trong năm 2024 này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ phối hợp với Phòng GDĐT thành phố Huế tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình về giáo dục di sản Huế một cách khoa học, để việc giáo dục di sản hiệu quả hơn.

Giáo dục di sản là một chương trình giáo dục ngoại khóa do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Phòng GDĐT thành phố Huế tổ chức cho học sinh các bậc học mầm non cho đến THCS từ hơn 2 năm nay.

Tùy theo lịch đăng ký, các em học sinh của từng trường lần lượt cùng hướng dẫn viên tham quan thực tế, trải nghiệm các di sản vật thể và phi vật thể, danh thắng nổi tiếng nằm trong quần thể Di tích Cố đô Huế.

Đồng thời được trải nghiệm các trò chơi cung đình tại Bảo tàng Cổ vật Cung Đình Huế. Hay sáng tác tranh dựa trên sự hướng dẫn quan sát tỉ mỉ các hoa văn, hoạ tiết và màu sắc độc đáo tại công trình kiến trúc di sản Huế…

Một con số rất ấn tượng là chỉ riêng năm 2023, chương trình này đã đón 263 đoàn, với hơn 25.000 học sinh của 85 trường học trên địa bàn thành phố tham gia.

Không dừng lại ở đây, trong năm 2024 này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Phòng GDĐT thành phố Huế còn tiến thêm một bước quan trọng, khi tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình về giáo dục di sản Huế một cách khoa học để chương trình này phát huy hiệu quả hơn nữa.

Khởi thủy của chương trình giáo dục di sản ở Huế, với hy vọng là một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng học sinh các cấp, không chỉ ở Huế mà trên cả nước ngày một thờ ơ với môn Lịch sử.

Sự ơ thờ này thể hiện qua các con số báo động đỏ, bắt đầu từ năm 2019, khi trong kỳ thi THPT quốc gia, 70% số bài thi Lịch sử điểm dưới 5, điểm trung bình môn là 4,3, thấp nhất trong 9 môn thi.

5 năm trở lại đây, tuy điểm trung bình môn Lịch sử trong các kỳ thi có khả quan hơn chút đỉnh, nhưng vẫn thấp hơn nhiều các môn còn lại.

Có rất nhiều lý do để lý giải thực trạng này, trong đó, cơ bản nhất là học sinh không quan tâm do việc biên soạn sách Lịch sử, dạy Lịch sử trong nhà trường chưa được hấp dẫn và chú trọng.

Giáo dục di sản – từ trực quan đến biên soạn cả giáo trình một cách bài bản, khoa học như Huế đang làm là một trong những cách đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo hướng hấp dẫn, sinh động hơn, kiểu “học sử là để sống với người đã chết” như một câu nói của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Và bước đầu, việc giáo dục này đã mang lại những kết quả khả quan khi những học sinh tham gia – theo phản hồi của giáo viên các trường – là đã bắt đầu có sự yêu thích và nhìn nhận khác đi về môn Lịch sử, vốn tưởng là khô khan và nhàm chán.

Giáo dục di sản cho học sinh như Huế đang làm thì hiện cũng có rất nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang làm, dù quy mô và hoạt động mang tính nhỏ lẻ, tự phát.

Nhưng nâng cấp giáo dục di sản bằng cách biên soạn tài liệu, giáo trình để phục vụ dạy học lý thuyết kèm với tham quan thực tế thì Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước.

Và đây là một hướng đi, cách làm mới và hay, cần được ngành giáo dục đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung… nhân rộng để không chỉ là một chương trình ngoại khóa của một địa phương như lâu nay đang làm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn